Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loạt thành viên NATO "cấp tập" củng cố biên giới với Nga

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một loạt các quốc gia như Phần Lan, Ba Lan, Estonia đã có động thái củng cố an ninh biên giới với Nga và Belarus.

Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo hôm 21/5 bày tỏ kỳ vọng Liên minh châu Âu sẽ sớm tìm các biện pháp chung để ngăn chặn xu hướng "công cụ hóa dòng người di cư", ám chỉ tình trạng người nhập cư đến từ Nga mà không có giấy tờ thông hành hợp lệ.

Phần Lan đã đóng cửa biên giới với Nga vào năm ngoái để ngăn chặn lượng người di cư từ các quốc gia bao gồm Syria và Somalia ngày càng gia tăng, đồng thời cáo buộc Moscow vũ khí hóa làn sóng di cư để đối đầu với Helsinki và EU, một tuyên bố mà Điện Kremlin đã phủ nhận.

Nhóm người di cư tại cửa khẩu biên giới quốc tế tại Salla, miền bắc Phần Lan, ngày 23/11/2023. Ảnh: Reuters
Nhóm người di cư tại cửa khẩu biên giới quốc tế tại Salla, miền bắc Phần Lan, ngày 23/11/2023. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, dòng người di cư vẫn tiếp cận biên giới Phần Lan và chính phủ nước này hôm 21/5 đã đệ trình lên quốc hội một đề xuất cho phép các đặc vụ biên giới từ chối những người xin tị nạn đang cố gắng nhập cảnh từ Nga.

Thủ tướng Orpo trong cuộc họp báo khẳng định, Phần Lan cần đặt an ninh quốc gia và an ninh của các nước EU lên hàng đầu. "Chúng tôi rất ý thức về trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát biên giới bên ngoài của Liên minh Châu Âu”, ông Orpo cho biết. 

Trong diễn biến liên quan, Ba Lan vừa qua đã chi 2,55 tỷ USD để tăng cường biên giới phía đông. 

Thủ tướng Donald Tusk tuyên bố Ba Lan sẽ xây dựng một tuyến phòng thủ dọc biên giới với Belarus và Nga. Ông nói thêm rằng công việc xây dựng "hàng lang phía Đông" đã bắt đầu.

Trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa Kiev và Moscow, giới lãnh đạo Ba Lan đã nhiều lần lên tiếng về sự cần thiết phải tăng cường công tác bảo vệ đất nước trước mối đe dọa từ Nga.

Phát biểu tại một sự kiện kỷ niệm quân sự ở Krakow cuối tuần trước, Thủ tướng Tusk tuyên bố rằng Warsaw “sẽ đầu tư 10 tỷ zloty (2,3 tỷ euro) vào an ninh khu vực biên giới giáp với Belarus và Nga”.

Quan chức này cho biết thêm, những động thái này nhằm giúp bảo đảm an toàn cho khu vực biên giới của Ba Lan trong thời bình và "bất khả xâm phạm" trong kịch bản chiến sự. 

Dự kiến những hàng rào mới sẽ được triển khai đối với khu vực dọc đường biên giới dài 400 km. 

Ông Tusk cũng cho biết, Ngân hàng Đầu tư Châu Âu có khả năng tài trợ cho các công cụ giám sát vệ tinh của Ba Lan với số tiền 500 triệu zloty. Hệ thống này dự kiến sẽ là một phần của cơ sở hạ tầng phòng không chung của châu Âu.

Vào tháng 1, nước láng giềng Estonia đã công bố ý định xây dựng khoảng 600 boongke dọc biên giới với Nga, với các thành viên NATO là Latvia và Lithuania cũng tham gia.

“Tuyến Phòng thủ Baltic” nhằm đẩy lùi khả năng tấn công của Nga, dự kiến sẽ được đầu tư sơ bộ với ngân sách lên tới 60 triệu euro (65 triệu USD), khởi công vào năm tới, theo tuyên bố từ Estonia. 

Trong khi đó, vào tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh rằng “những tuyên bố rằng Moscow sẽ tấn công châu Âu sau Ukraine - hoàn toàn vô nghĩa và đe dọa người dân nhằm mục đích trục lợi riêng".

Ông chủ Điện Kremlin cũng nhấn mạnh rằng chính NATO đã tiến gần hơn bao giờ hết tới biên giới Nga chứ không phải ngược lại.