TP cần sớm có sự điều chỉnh, tận dụng hạ tầng sẵn có để thiết lập mạng lưới điểm dừng cho xe dịch vụ vận chuyển khách, góp phần giảm thiểu UTGT.
“Muối bỏ biển”
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, TP có mạng lưới vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh đường bộ kết nối đến 41 tỉnh, thành với 897 tuyến, trên 3.300 phương tiện, 3.556 chuyến/ngày. Bên cạnh đó còn có khoảng 17.300 xe taxi do Sở cấp phép cùng lượng lớn taxi ngoại tỉnh hoạt động thường xuyên trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, TP có 36.133 xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, gồm 21.312 xe trên 9 chỗ; và 14.821 xe dưới 9 chỗ; 755 xe vận tải khách du lịch.
Tuy nhiên, tương quan với lượng xe dịch vụ khổng lồ đó, TP mới công bố 41 cặp điểm đón trả khách cho xe khách liên tỉnh; thí điểm 6 điểm dừng đỗ, đón trả cho xe taxi tại hai tuyến phố: Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo. Xe hợp đồng, du lịch nói chung mới chỉ có 45 vị trí dừng đỗ đón trả cán bộ, công nhân viên. Như vậy cả Hà Nội mới có tổng cộng 92 điểm dừng đỗ chính thức cho hơn 58.000 xe kinh doanh các loại hình dịch vụ vận tải khách nói trên. Con số này là minh chứng rõ rệt và sống động nhất, diễn giải một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xe kinh doanh dịch vụ dừng đỗ tùy tiện trên khắp phố phường Hà Nội.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện tượng dừng đỗ sai quy định gây UTGT diễn ra phổ biến nhất ở nhóm xe taxi với số lượng lớn, địa bàn hoạt động chủ yếu trong lõi đô thị. Càng những tuyến đường đông đúc, khu vực tập trung dân cư, hoạt động thương mại, văn hóa… mật độ xe taxi càng dày đặc; tình trạng dừng đỗ nơi bị cấm, thậm chí nghênh ngang dừng luôn giữa lòng đường, vắt chéo xe, cắt mặt dòng phương tiện phía sau đón trả khách nhiều không đếm xuể.
Ngay cả những thương hiệu taxi lớn như Mai Linh; G7; Xanh SM cũng không ngoại lệ, hãng càng nhiều xe, tài xế vi phạm càng có chiều hướng phổ biến. Tương tự như taxi, xe hợp đồng, du lịch cũng thường xuyên dừng đỗ bừa bãi, gây cản trở giao thông, bức xúc cho người dân. Đặc biệt là xe hợp đồng cỡ lớn, từ 16 - 45 chỗ, chuyên đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, khách du lịch. Do xe to, lại lòng vòng qua nhiều đường phố đón trả khách, thường xuyên hoạt động trong giờ cao điểm nên loại hình này là tác nhân không nhỏ gây UTGT cho hầu hết những tuyến đường trọng điểm.
Chưa hết, do thiếu điểm dừng chờ nên ngay trong khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) nơi khách du lịch tập trung đông, xe dịch vụ cỡ lớn ra vào đón trả nườm nượp mỗi ngày, nên cả trong giờ thấp điểm, ngày lễ, Tết cũng tiềm ẩn nguy cơ UTGT cao. Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh nhận định: “Số lượng điểm dừng chờ cho xe khách liên tỉnh, taxi, xe hợp đồng, du lịch của Hà Nội mới chỉ bằng khoảng 0,2% số lượng xe. Nhìn vào đó đủ thấy bất cập quá lớn. Số lượng điểm dừng chờ này chỉ như muối bỏ biển, không phát huy tác dụng đối với việc quản lý, điều hành xe kinh doanh vận tải khách của TP”.
Bài toán rất khó
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, bố trí đủ số lượng điểm dừng đỗ cho một số loại hình xe kinh doanh dịch vụ vận tải khách là bài toán rất khó với Hà Nội. Muốn tìm ra lời giải, trước tiên, TP cần rà soát lại quy hoạch vận tải, khống chế số lượng phương tiện tương xứng với nhu cầu và khả năng đáp ứng.
Trong khi xe khách liên tỉnh và taxi đã được quy hoạch số lượng, luồng tuyến cụ thể, xe hợp đồng, du lịch, xe công nghệ lại chưa đặt ra được giới hạn về số lượng. TP cũng chưa có quy hoạch, bố trí hạ tầng đủ để phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải đặc biệt đối với loại hình xe hợp đồng. Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thông tin, Sở đang tập trung phối hợp với Hiệp hội taxi TP Hà Nội và các đơn vị liên quan khảo sát, đề xuất bố trí 63 điểm dừng đỗ đón trả khách cho xe taxi tại các khu vực bến xe, trung tâm thương mại...
Ngoài ra, Sở GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các điểm dừng đỗ cho xe khách liên tỉnh. Nhưng với xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, xe chở học sinh, xe du lịch… việc bố trí điểm dừng đỗ như thế nào cho hợp lý vẫn chưa có phương án cụ thể. Hơn nữa, số lượng điểm dừng chờ được bổ sung theo kế hoạch trước mắt cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh phân tích, xe khách liên tỉnh là dễ xử lý hơn cả do đã có các bến xe tập trung, hệ thống điểm dừng chờ chỉ nên bổ sung ở khu vực ngoại thành, không nên cắm thêm trong lõi đô thị.
Đối với xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh cần sắp xếp vào một loại hình riêng, có hệ thống chế tài, quy định, hướng dẫn cụ thể; hệ thống điểm đón trả riêng. “Không thể để tình trạng một chiếc xe chở 30 học sinh thì dừng đỗ tại 30 vị trí, vừa gây UTGT, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT rất cao như hiện nay. Có nhiều xe chở học sinh sẵn sàng dừng giữa đường, giữa nút giao mở cửa cho các em nhỏ lao xuống. Hiện tượng đó phải sớm chấm dứt” - Thạc sĩ Vũ Tuấn Linh cho hay.
Một số chuyên gia cho rằng, nên có hệ thống điểm dừng theo khu vực cho xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh. Mỗi phường, hoặc mỗi khu vực có số lượng dân đông chỉ nên sắp xếp 1 - 2 điểm dừng cho loại hình này tại những nơi có điều kiện hạ tầng sẵn như: cổng công viên, sảnh tòa nhà… Như vậy sẽ giảm thiểu được áp lực, rủi ro giao thông từ việc đón trả khách.
Riêng với xe taxi, xe công nghệ cần phải mạnh tay xử lý, phạt nặng hành vi dừng đỗ tùy tiện, gây cản trở giao thông. Càng các thương hiệu lớn càng phải nêu cao tinh thần tự giác, trách nhiệm với cộng đồng, quản lý chặt chẽ lái xe, không để “lợi mình hại người”.
Sở GTVT đã ghi nhận nhiều ý kiến đề nghị, Sở cần tập trung nghiên cứu, phối hợp với Ban quản lý các tòa nhà, trung tâm thương mại… xác định rõ khu vực được phép dừng chờ cho xe taxi, xe công nghệ. Số lượng xe dừng chờ cũng cần quy định rõ, tránh tình trạng taxi "bao vây" nhà cao tầng, cổng khu đô thị phổ biến như hiện nay.