EU lo ngại sâu sắc về chuyến đi này giờ có vẻ hể hả bởi ông Tsipras không được tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận Hy Lạp là trường hợp ngoại lệ để không bị ảnh hưởng bởi những biện pháp của Nga trả đũa những biện pháp của Mỹ và EU trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại. Ông Putin cũng chưa thẳng thừng tuyên bố là sẽ cứu Hy Lạp không bị phá sản nếu nước này không đạt được thỏa thuận với EU, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về gói hỗ trợ tài chính tiếp theo. EU lo ngại là Hy Lạp sẵn sàng từ bỏ chính sách chung của EU đối với Nga để đổi lấy viện trợ tài chính của Nga. Nhìn nhận như thế, EU cho rằng ông Tsipras đã thất bại với chuyến đi này, ông Tsipras đã đặt cược quá nhiều mà thu về chỉ được quá ít.
Nhưng nếu nhìn vào thực chất của kết quả chuyến đi này của ông Tsipras thì sẽ thấy không hẳn như EU nhìn nhận. Ông Putin không nói Nga không sẵn sàng hậu thuẫn Hy Lạp về tài chính. Ông Putin không đáp ứng yêu cầu của ông Tsipras coi Hy Lạp là trường hợp ngoại lệ nhưng đã cùng ông Tsipras thỏa thuận một cách giúp đáp ứng được yêu cầu của Hy Lạp là thành lập những liên doanh về sản xuất nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông sản. Nhờ những liên doanh này mà nông sản của Hy Lạp không còn bị liệt vào diện cấm bị nhập khẩu vào Nga nữa. Đó chẳng khác gì một lối đi vòng nhưng đi được để tránh đường thẳng ngắn hơn nhưng không biết đến khi nào mới có thể lại đi được. Nhìn nhận như thế thì sẽ lại không thể không công nhận là chuyến đi Nga này của ông Tsipras không hề bị thất bại. Nó thậm chí còn đưa lại một "mùa xuân" mới cho mối quan hệ song phương. Nó đồng thời còn làm sự phân hóa nội bộ trong EU trở nên sâu sắc hơn trước.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP)
|