Lợi ích kép từ phát triển vườn đô thị

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong điều kiện đô thị ngày càng đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường, diện tích đất dùng cho cây xanh đang dần bị hạn chế, việc áp dụng các giải pháp xanh với hình thức vườn đô thị cần được tính đến nhằm đảm bảo tỷ trọng không gian xanh, cải thiện hệ sinh thái đô thị, giảm ô nhiễm không khí và đem lại nhiều lợi ích khác cho cộng đồng.

 Người dân dãy tập thể Đ14 Phương Mai tạo các mảng xanh tại khu vực sân chung tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Vũ Cúc
Vườn trên cao, xanh hóa không gian sống

Những ngày gần đây, chất lượng không khí tại Hà Nội luôn có chỉ số ô nhiễm ở ngưỡng kém và xấu, gây hại đến sức khỏe con người. Để giải bài toán ô nhiễm không khí, nhiều chuyên gia cho rằng, cần giải quyết tổng thể nhiều giải pháp, trong đó không thể không kể đến phát triển không gian xanh trong đô thị. Tuy nhiên, hiện nay khi mật độ dân số đô thị càng tăng, diện tích đất dành cho vườn và cây xanh công cộng càng hạn chế. Trước thực trạng đó, việc phát triển những diện tích xanh hiện đại, tìm kiếm các hình thức vườn đô thị không sử dụng tài nguyên đất, kết hợp linh hoạt với các không gian phù hợp như vườn trên treo trên không, vườn thủy canh, vườn khí canh... được coi là cần thiết.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều hộ dân, cơ quan, trường học, chủ đầu tư dự án nhà ở tại Hà Nội đã có nhiều sáng tạo trong việc trồng cây ở ban công, nóc nhà... tạo nên những không gian xanh. Đến ngõ 685, ngõ 614 đường Lạc Long Quân, hay đường Vệ Hồ, phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ)... nhiều hộ gia đình đã trồng cây xanh kín các ban công, làm giàn cho cây leo lên mái... tạo không gian xanh cho ngôi nhà và góp phần tô điểm cảnh quan đường phố xanh - sạch - đẹp.

Tương tự, tại Khu tập thể Phương Mai (quận Đống Đa), người dân đã cùng nhau tạo ra những khu vườn rất ấn tượng tại sân khu tập thể, trên ban công từng căn hộ; những nhà cao tầng thì trồng cây thân leo, phủ lên mái như hoa giấy, hoa ti gôn, thiên lý... Ví như nhà ông Hoàng Như Tầng (ngõ 167 Phương Mai, Đống Đa) được phủ kín hoa giấy 5 tầng nhà, giống như một khu rừng thu nhỏ, khiến ai đi qua cũng phải trầm trồ. Hay tòa nhà Dream Hotel and Apartment (ở ngã 5 Xã Đàn – Ô Chợ Dừa) được chủ nhân phủ kín bởi những chậu cây xanh trông thật mát mắt. Ngoài ra, rất nhiều gia đình, cơ quan, trường học đã tận dụng khoảng không ở ban công, sân thượng để tạo ra những khu vườn xanh mướt bằng phương pháp vườn treo, vườn thủy canh, khí canh.

Tại quận Hoàn Kiếm, chính quyền quận cũng luôn quan tâm tạo không gian xanh bằng việc khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân có nhà ở mặt phố trồng, trang trí cây xanh, hoa trên ban công, nhất là vào những dịp ngày lễ kỷ niệm... Vì thế, dù là địa bàn có diện tích hẹp, mật độ dân cư và phương tiện giao thông lớn, song môi trường sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Giải pháp bền vững cần được khuyến khích

TS.KTS Trần Minh Tùng - Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học Xây dựng) cho rằng, giá trị lớn nhất của các vườn đô thị theo phương pháp thủy canh và khí canh nằm ở việc chúng hoàn toàn không phụ thuộc vào đất và không gian mặt đất. Điều đó có nghĩa là mỗi căn hộ, văn phòng, tầng, tòa nhà và thậm chí cả sân thượng đều có thể được tích hợp không gian xanh mà hầu như không làm phát sinh các vấn đề về tải trọng, chống thấm và các hệ thống kỹ thuật khác. Giải pháp này đang mở ra tiềm năng lớn cho việc xanh hóa không gian ở đô thị từ bên trong, tức là từ các hộ gia đình, đến bên ngoài là không gian công cộng. “Đây là giải pháp có sự sáng tạo, hợp xu hướng và có tính bền vững về môi trường, cảnh quan lẫn hệ sinh thái. Vì thế nó là một gợi ý tốt, một khía cạnh cần quan tâm trong công tác thiết kế kiến trúc và quy hoạch, từ cấp độ đô thị tới từng không gian ở cụ thể” - TS.KTS Trần Minh Tùng nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Khuất Tân Hưng - Chủ nhiệm Bộ môn Lý luận bảo tồn, Khoa Kiến trúc (trường Đại học Kiến trúc Hà Nội) phân tích, cây xanh có thể được bố trí trực tiếp trên mặt đứng và mái nhà để tham gia chống nóng cho công trình kiến trúc, có thể hình thành nên một lớp vỏ bao che thứ hai để hạn chế bức xạ nhiệt mặt trời nhưng vẫn không cản trở ánh sáng và gió xuyên qua. Từ điểm nhìn sinh thái, xu hướng này là sự đóng góp khá tích cực cho các TP, nhất là ở những nơi chịu tác động mạnh của hiện tượng đảo nhiệt đô thị như Hà Nội. Chúng góp phần làm cho đô thị trở nên xanh hơn cả nghĩa đen và nghĩa bóng, bởi giúp bảo vệ môi trường sinh thái và chuyển hóa khí cacbonic thành oxy có lợi cho sức khỏe con người.

Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh khẳng định, gần đây, xu hướng phát triển các dự án bất động sản, nhà ở, trường học xanh ngày càng nhiều ở nước ta. Tuy nhiên, do chưa có quy định bắt buộc nên việc phát triển công trình xanh không đồng đều, chủ yếu do chưa có sự tham gia tích cực từ người dân. Vì thế, thời gian tới rất cần chính sách, cơ chế để khuyến khích phát triển nhiều hơn nữa các công trình xanh với những vườn cây xanh trên cao, sử dụng tối đa yếu tố tự nhiên, bền vững và hài hòa với thiên nhiên. "Như vậy, chắc chắn Hà Nội sẽ có thêm những khoảng xanh giữa lưng chừng trời, góp phần làm đẹp cảnh quan, cải tạo môi trường sống và xây dựng Thủ đô ngày càng xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại" - Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội nhận định.
Hiện nay, diện tích cây xanh tính trên đầu người của Hà Nội còn rất thấp, không đạt quy chuẩn và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các TP tiên tiến trên thế giới. Do đó, việc trồng thêm cây xanh trên toàn TP là trách nhiệm của toàn dân. Tạo các mảng cây xanh trên mặt đất, các đường phố, sân vườn, tường nhà, mái nhà và đưa cây xanh vào mỗi gia đình cần có sự vào cuộc tích cực của cộng đồng, đồng thời cũng rất cần sự quan tâm của chính quyền đô thị.

Nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Vinh