Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi lớn do thi công cẩu thả

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng 4 giờ ngày 28/12, tại công trường thi công dự án tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, đoạn Km7+703,600 - Km7+798,400 (hướng đi Hà Đông) đoạn Bến xe Hà Đông cũ (đường Trần Phú) đã xảy ra sự cố sụt xà mũ khiến hàng trăm tấn bê tông, sắt thép đổ sụp xuống đường, đè nát một xe taxi.

Sự cố trên tuy không gây thiệt hại về người, song đã khiến tuyến đường rơi vào tình trạng ách tắc nghiêm trọng.

 Vào khoảng thời gian trên, xe taxi BKS 30V - 8195 (do lái xe Nguyễn Bá Dương, trú tại Dương Nội, Hà Đông điều khiển) di chuyển qua khu vực trên, bất ngờ hàng trăm tấn sắt thép và bê tông tươi ào ạt đổ xuống. Những người trong xe đã may mắn thoát "án tử" vì kịp thoát ra ngoài. Sau khi xảy ra sự cố, đơn vị thi công đã tổ chức quây bạt quanh khu vực; lãnh đạo Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo khắc phục sự cố, phân làn giao thông. Tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng của vụ sập giàn giáo chiếm phần lớn diện tích mặt đường nên đã xảy ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng.            Ảnh: Công Trình
Hiện trường vụ tai nạn nghiêm trọng. Ảnh: Công Trình
Điều đáng nói, trước đó, cũng tại dự án này ngày 6/11, trên công trường nhà ga Thanh Xuân 3 đã xảy ra một vụ tai nạn khiến 1 người tử vong và 2 người bị thương. Tại thời điểm đó, Bộ GTVT đã đình chỉ toàn bộ công trình, yêu cầu các đơn vị rà soát công tác đảm bảo an toàn tại các dự án, bố trí lực lượng cảnh giới, phân làn giao thông tại những khu vực tổ chức thi công, tuy nhiên yêu cầu đó không được thực hiện nghiêm túc? Trao đổi với chúng tôi, một số người dân cho biết, trong quá trình xây dựng, đơn vị thi công không bố trí đầy đủ lực lượng cảnh giới, tổ chức phân làn giao thông như quy định.

Có mặt tại hiện trường, theo ghi nhận của chúng tôi, các lực lượng chức năng và đơn vị thi công đã bố trí 2 cần cẩu cỡ lớn, hàng chục công nhân tổ chức thu dọn. Tuy nhiên, do khối lượng thu dọn lớn, chằng chéo nhằng nhịt nên việc giải phóng hiện trường gặp rất nhiều khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, với khối lượng bê tông, sắt thép như thế cần ít nhất một ngày các đơn vị mới có thể hoàn thành tháo dỡ.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có mặt tại hiện trường và yêu cầu Ban QLDA đường sắt, đơn vị thi công, tổng thầu và tư vấn giám sát cùng các bên có liên quan khẩn trương thu dọn và tìm ra nguyên nhân. Yêu cầu các đơn vị phối hợp với CSGT, Thanh tra GTVT tổ chức phân luồng cho người dân đi lại. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt (đơn vị làm đại diện chủ đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông) cho biết, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi đến đêm 28/12 công tác thu dọn hiện trường sẽ hoàn thành, đảm bảo việc đi lại của người dân.

Cùng ngày, Bộ GTVT đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam), người trực tiếp theo dõi và giám sát thi công đã để xảy ra sự cố. Nghiêm khắc phê bình, cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn - Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông; Đối với Nhà thầu phụ thi công - Công ty CP Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) là nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp: Đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đề cập đến nguyên nhân ban đầu dẫn tới sự cố này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, có thể do giàn giáo bị dịch chuyển, khi đổ bê tông, mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn. Hiện, vụ việc đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra làm rõ.

Như vậy, một lần nữa vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình thi công tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại khiến dư luận e ngại. Bởi, công trình chỉ vừa mới được thi công trở lại sau vụ tai nạn trước đó ít ngày nay lại xảy ra sự cố nghiêm trọng.