Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lộng quyền và sự tha hóa

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ mới khoảng 1 năm rưỡi của Nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 12, đã có nhiều vụ việc đảng viên cấp cao thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý bị xử lý.

Đây là điều đáng buồn và đau xót của Đảng ta, song cũng qua cách làm mạnh mẽ, nghiêm túc của những người có trách nhiệm cao trong Đảng, Nhà nước đã tạo niềm tin to lớn cho cả đảng viên lẫn người dân về công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực sau một thời gian ít nhiều bị trầm lắng, hoài nghi....

Triết gia người Pháp Lord Acton từ cuối thế kỷ thứ 19 đã từng nhận xét chí lý:"Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dần tha hóa tuyệt đối". Để phát triển và tồn tại, con người rất cần đến Nhà nước. Nhưng để Nhà nước lãnh đạo (thống trị) một đất nước, một dân tộc thì chúng ta cũng phải tính đến cách kiểm soát quyền lực đó. Nhưng nói vậy mới là nói về lý thuyết.

Từ những câu chuyện trên có thể thấy cơ chế quản lý kinh tế của nước ta trong nhiều thập kỷ qua, do có nhiều vấn đề chưa phù hợp, phải mò mẫm tìm lối ra trong "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" nên những sai phạm như vừa qua đã cho thấy vai trò lãnh đạo của Đảng tại cơ sở còn nhiều yếu kém, thiếu tiếng nói phản biện. Chính vì thế, sau những quyết định xử lý đối với những lãnh đạo cấp cao như: Ông Đinh La Thăng, Vũ Huy Hoàng, Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa… mới đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư thông báo kết luận về những sai phạm nghiêm trọng của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ cho thấy rõ hơn những yếu kém đó. Đó là việc tập thể Ban Thường vụ nói trên đã mất sức chiến đấu, mất đoàn kết, bè phái để ông Nguyễn Xuân Anh lấn sân quá sâu sang áp đặt công việc của chính quyền; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; kê khai, sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ô tô do DN biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của DN, gây dư luận xấu trong xã hội… Những nội dung bị xem là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Đảng. Những dấu hiệu sai phạm này được Ủy ban Kiểm tra T.Ư chỉ ra khá rõ, được đánh giá là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Sự suy thoái đạo đức sẽ dẫn tới sai phạm là điều dễ hiểu nhưng cần thấy trách nhiệm của các tổ chức Đảng ở nơi có cán bộ suy thoái, tại sao sai phạm kéo dài như vậy, vai trò tổ chức Đảng ở đó thế nào, sức chiến đấu ra sao, rồi cấp trên phải chịu trách nhiệm như thế nào khi thực hiện quy trình bổ nhiệm… Điều quan trọng hơn nữa cần rút ra đó là nếu không có cơ quan kiểm soát quyền lực thì thật là nguy hiểm khi mà người đứng đầu lộng quyền, tha hóa, xa dân và dần dần biến chất...