Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần thống nhất với Luật Lao động

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 29/5, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng, dự Luật phải bám sát và điều chỉnh thống nhất với Luật Lao động.

Theo đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (tổ Hà Nội), khi sửa đổi, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi phải khắc phục được những hạn chế, bất cập trước đó, đồng thời chỉnh sửa để phù hợp với những luật liên quan ban hành trước, đặc biệt là những luật khung.
Đại biểu Bùi Thị An phát biểu
Đại biểu Bùi Thị An phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở tổ.
“Thực tế việc thực hiện đóng bảo hiểm cho đối tượng dưới 3 tháng rất khó, do đó không nên đưa vào luật. Về tuổi nghỉ hưu hưởng BHXH đề nghị Ban soạn thảo lý giải việc để tuổi nam và nữ khác nhau (nam 62, nữ 60); vì đâu và cơ sở nào mà vỡ quỹ bảo hiểm; trình luật và sửa theo hướng sâu hơn, và có tầm nhìn xa…” - ĐB Đề nghị

Cũng theo ĐB An, những người cần đóng bảo hiểm xã hội, giai đoạn vừa qua không nghiêm, có người lao động nợ bảo hiểm, bởi vậy cần có chế tài xử lý những đối tượng nợ bảo hiểm, đảm bảo mọi người đều công bằng.

ĐB Nguyễn Phi Thường (tổ Hà Nội) cho biết, dự Luật được ra trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều diễn biến phức tạp do đó Luật điều chỉnh phải đảm bảo quyền lợi, đời sống cho người lao động, đặc biệt là lao động ở khu công nghiệp. “Tổng thể dự án luật chưa thực sự hướng đến lợi ích người lao động, giải pháp chủ yếu hướng đến giải quyết việc vỡ quỹ lao động, việc sử dụng quỹ như nào chưa cụ thể. Đề nghị nghiên cứu lại một cách tổng thể đảm bảo vấn đề an sinh xã hội” - ĐB Thường nói.

Ngoài ra, ĐB Thường cũng không đồng tình với việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm dưới 3 tháng, vì đây là những đối tượng thử việc, công việc chưa được xác định và tăng độ tuổi nghỉ hưu.

Đồng tình với ĐB Thường, ĐB Minh Quang cho biết, dự Luật sửa đổi phải theo hướng tăng thu nhưng mục tiêu hướng tới là người lao động chưa đầy đủ và toàn diện. Ngoài ra, cần nêu cao chức năng của thanh tra bảo hiểm để kiểm tra việc đóng và chấp hành luật BH của doanh nghiệp.  Đối với việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, ĐB Quang đồng thuận với các đại biểu về lao động 3 tháng chưa phù hợp để đóng bảo hiểm do đây là đối tượng tạm thời, rất khó quản lý. Kiến nghị, không mở rộng đối tượng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng và hợp đồng lao động thời vụ.

Cùng thể hiện quan điểm về việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, theo ĐB Thích Bảo Nghiêm, lao động ký hợp đồng dưới 3 tháng là lao động chưa ổn định vì vậy cần có lộ trình thực hiện nếu không sẽ phát sinh lớn đối tượng. Đi kèm với đó là chính sách quản lý và phát huy vai trò của thanh tra, giám sát đóng bảo hiểm tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.

Theo ĐB Hiền Vân, Luật BHXH là chủ trương lớn, nhạy cảm liên quan đến nhiều đối tượng, dự Luật sửa đổi đã hướng đến người lao động, cán bộ công chức. Về lâu dài dự Luật đã thể hiện được nguyên tắc đóng bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, giải quyết được an sinh xã hội. Dự Luật sửa đổi liên quan đến Luật lao động, vì vậy quá trình sửa cần có lộ trình để giảm bớt bất cập với Bộ luật Lao động.

“Qua nghiên cứu dự Luật, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu nam 62, nữ 60, lý do tăng không phải là nguyên nhân cơ bản chỉ mà là giải pháp tạm thời. Theo tôi, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu thì khó giải quyết vấn đề biên chế, nguồn nhân lực lao động không chất lượng; nguồn nhân lực trẻ không có cơ hội phát huy. Tôi đề nghị cần tăng cường lãnh đạo, quản lý quỹ bảo hiểm; tăng quyền cho thanh tra, kiểm tra giám sát bảo hiểm; tăng cường lãnh đạo chỉ đạo các cơ quan bảo hiểm” - ĐB Vân đề nghị.

Trong khi đó, theo ĐB Đào Văn Bình, tán thành việc áp đối tượng đóng bảo hiểm có hợp đồng lao động từ 1-3 tháng, vì như này sẽ hạn chế doanh nghiệp lách luật không phải đóng bảo hiểm cho người lao động. Đồng thời, với việc tăng thu bảo hiểm xã hội, thì cần tinh gọn bộ máy, nhân viên làm việc chưa chuyên nghiệp, trong dự Luật chưa có chế tài dủ mạnh để xử phạt đối tượng vi phạm Luật Bảo hiểm xã hội, một số quy định trái với luật lao động. Về tăng tuổi nghỉ hưu, như trong dự Luật không phù hợp với Luật Lao động, vì vậy cần điều chỉnh theo quy định trong Luật Lao động.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luân ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.