Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Luật hoá” cụ thể chính sách thu hút nhân tài trong Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài. Quy định này là cần thiết để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nhân lực, để nhân tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng và Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen cho các thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Thủ đô năm 2022

Cơ chế, chính sách chưa đủ sức hấp dẫn nhân tài

Thu hút nhân tài là chủ trương nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai chủ trương này trên một số tỉnh, thành cho thấy chưa thực sự hiệu quả.

Tại Hà Nội, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực của Thủ đô hiện đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. Để thu hút được người có năng lực, trình độ, Luật Thủ đô 2012 quy định “HĐND TP Hà Nội được ban hành chính sách trọng dụng nhân tài”.

Theo Nghị quyết 14/2013/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội về trọng dụng nhân tài, thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng chính sách ưu đãi. Theo đó, họ được hỗ trợ một lần bằng 20 tháng lương tối thiểu. Sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận. Tuy nhiên, họ cũng phải cam kết làm việc cho thành phố 7 năm nếu hưởng mức hỗ trợ.

Tuy nhiên, thực tế triển khai ở TP Hà Nội thời gian qua cho thấy, các chính sách thu hút chưa đủ sức hấp dẫn. Đơn cử, theo thống kê từ năm 2013 đến năm 2022, chỉ có 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại Hà Nội; trong đó có 43 công chức, 12 viên chức. Quá trình công tác, 9 công chức từng là thủ khoa xuất sắc xin chuyển công tác ra ngoài và 5 công chức xin thôi việc.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể hơn về thu hút nhân tài. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thực tiễn ở Hà Nội cho thấy, các chính sách thu hút nhân tài hiện tại mới chỉ tập trung vào tuyển dụng đối với một số đối tượng cụ thể; chưa chú trọng đến môi trường làm việc, mức lương, thu nhập, cơ hội học tập, thăng tiến và các đãi ngộ khác, chưa tạo được sự cạnh tranh so với khu vực tư, nên chưa đủ sức hấp dẫn.

Do vậy, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cụ thể về đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, xếp lương, bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo; được ký hợp đồng làm việc hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập; được ký hợp đồng làm việc thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, y tế, giáo dục...

Xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện

Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Nguyễn Hữu Phúc (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng) cho biết, Dự Luật đưa vấn đề thu hút, trọng dụng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là chính sách đúng đắn, cần thiết đối với TP Hà Nội. Bởi hiện nay, trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh chủ yếu là “chất xám”, “nhân tài”. Quốc gia nào có được nguồn nhân lực chất lượng cao, với đội ngũ nhân tài hùng mạnh thì sẽ phát triển.

“Để chính sách thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô có sự đột phá và mang tính khả thi cần bổ sung vào dự thảo một số quy định tường minh, chặt chẽ hơn. Ví như quy định về chính sách đãi ngộ, hệ thống tiền lương, thưởng, phụ cấp” - TS nguyễn Hữu Phúc đề nghị.

Thẩm tra Dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao việc đề xuất trong Dự thảo Luật các cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP Hà Nội.

Để bảo đảm tính khả thi và có thể áp dụng được trên thực tiễn, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ các đối tượng được coi là nhân tài và có sự phân hóa rõ ràng để có quy định về chế độ, chính sách phù hợp trong tuyển dụng, bổ nhiệm và đãi ngộ. Việc hỗ trợ, tạo điều kiện để người giỏi chuyên môn có thể chuyên tâm phát triển khả năng về chuyên môn, trở thành chuyên gia về từng lĩnh vực có thể phát huy tác dụng tốt hơn là cứ phải trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng, TP Hà Nội cũng cần quan tâm xây dựng môi trường và văn hóa làm việc hiện đại, thân thiện, dân chủ, cạnh tranh lành mạnh; cải thiện điều kiện, cơ sở vật chất để qua đó góp phần khích lệ tinh thần sáng tạo và nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động. 

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề xuất, về thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó không phân biệt nam, nữ, nếu có tài năng đặc biệt thì được tạo điều kiện tương tự đối với ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.