Hà Nội có 32 điểm du lịch cấp thành phố được công nhận
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch luôn tích cực tham mưu cho UBND TP Hà Nội và chủ động ban hành các hệ thống văn bản, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển sự nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố. Giai đoạn từ 2017 đến tháng 5/2023, thực hiện Luật Du lịch, Sở Du lịch đã ban hành 44 văn bản chỉ đạo điều hành và tham mưu UBND TP ban hành 26 kế hoạch, chương trình phát triển du lịch Thủ đô.
Triển khai Luật Du lịch 2017 đến nay, UBND TP đã công nhận 32 điểm du lịch, khu du lịch cấp TP. Cơ bản các điểm du lịch được đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch. Nhiều sản phẩm du lịch đã trở thành một trong những địa điểm tham quan, vui chơi giải trí không thể thiếu của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối tuần, tiêu biểu như: các hoạt động văn hóa - du lịch mang tính quốc tế tại khu vực không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; không gian bích họa phố Phùng Hưng; không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ; không gian đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây...
Bên cạnh đó, Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phụ trợ cho hoạt động du lịch văn hóa đang từng bước được xây dựng đồng bộ, chất lượng, chuyên nghiệp. Tính đến tháng 5/2023, trên địa bàn Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú du lịch với 70.218 phòng, trong đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1- 5 sao với 25.613 phòng...
Với những giá trị nổi trội và cơ bản về tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa cùng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tương đối đầy đủ, Hà Nội có đủ điều kiện để phát triển hoạt động du lịch chuyên nghiệp, hiện đại, mang thương hiệu trong khu vực và trên thế giới.
Tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch tăng
Về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2019, số lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng khá nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, mức tăng bình quân đạt 9.6%/năm. Sau thời gian sụt giảm khách du lịch do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 15/3/2022 lượng khách du lịch đến Hà Nội bắt đầu có xu hướng tăng dần trở lại.
Giai đoạn năm 2017 - 2019, tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch bình quân đạt 19,35%/năm. Năm 2022, với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch sau thời kỳ dịch Covid-19 (đặc biệt là thị trường khách du lịch quốc tế), từ ngày 15/3 tổng thu từ khách du lịch có sự tăng trưởng, đạt trên 61.000 tỷ đồng, tăng gấp 5,4 lần so với năm 2021. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 44,88 nghìn tỷ đồng, tăng 74,3% so với cùng kỳ năm trước.
Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Mai Anh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch. Cùng đó, Trung tâm cũng tổ chức gian hàng của thành phố Hà Nội tham gia Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023. Gian hàng của thành phố Hà Nội với chủ đề “Huyền tích Thăng Long- Ngàn năm di sản” giới thiệu tới du khách mô hình Khuê Văn các- biểu tượng văn hóa của Thủ đô, một số tuyến điểm du lịch văn hoá nổi bật kết nối Trung tâm Hà Nội đã thu hút trên 10.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu về du lịch Hà Nội.
Tham mưu thêm những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn
Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở Du lịch cũng nêu một số tồn tại, hạn chế, chất lượng dịch vụ du lịch tại một số điểm đến du lịch văn hóa gắn với di tích lịch sử, làng nghề truyền thống chưa cao, thiếu các sản phẩm du lịch trải nghiệm phục vụ du khách. Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được tốc độ tăng trưởng và nhu cầu đa dạng của du khách (còn thiếu các khách sạn quy mô lớn trên 1.000 phòng, dịch vụ đồng bộ)...
Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát cho rằng, các quy định hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch của thành phố còn hạn chế. Một số quy định bất cập chưa phù hợp với tình hình hoạt động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường, cũng như mục tiêu đề ra sau khi mở của du lịch sau đại dịch Covid-19. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch này tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành du lịch.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND Thành phố Nguyễn Thanh Bình ghi nhận, thời gian qua, các đơn vị đã quan tâm tới phát triển du lịch và cụ thể hoá thành các chương trình, đề án; Tích cực tìm tòi để có mô hình mới, sáng tạo trong các đề án đầu tư cơ sở hạ tầng, điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn.
Tuy nhiên, mặc dù đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hiện nay nhận thức và chuyển hóa thành những hành động cụ thể của một số địa phương còn chưa tới. Trưởng Ban Văn hoá - xã hội nhấn mạnh, thời gian tới, Sở Du lịch cần tham mưu cho thành phố những giải pháp để quán triệt sâu rộng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức trong người dân và doanh nghiệp về lĩnh vực này. Đặc biệt, Sở cần nghiên cứu tham mưu thêm cho thành phố về những chủ trương mạnh mẽ và dài hạn hơn nữa; quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch, trọng tâm là du lịch đô thị, lấy trải nghiệm của khách hàng là trung tâm…
Chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị, Đoàn giám sát đề các đơn vị sau buổi làm việc này tiếp tục bổ sung, hoàn thiện báo cáo, trong đó đặc biệt lưu, làm rõ những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, quy hoạch, nhân lực… để Đoàn tổng hợp gửi tới HĐND, UBND TP.