Lưu thông nông sản, không thể cứng nhắc theo địa giới hành chính

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính một cách cứng nhắc. Mỗi xã, phường… là một pháo đài, nhưng đây là pháo đài phòng chống dịch, còn kinh tế không có pháo đài đó mà cần phải thông suốt…”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết như vậy tại tọa đàm trực tuyến “Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TP Hồ Chí Minh” do Báo Người lao động và UBND TP Cần Thơ tổ chức ngày 14/9.
Nông dân, doanh nghiệp vùng ĐBSCL gặp vô vàn khó khăn. Ảnh: Giang Lam 
Nhà máy sản xuất giảm công suất đến 90%

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho hay, diễn biến dịch Covid-19 phức tạp đã ảnh hưởng đến vấn đề sản xuất, lưu thông hàng hóa của 19 tỉnh, thành phía Nam. Việc tổ chức sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ nông sản đều bị ảnh hưởng do thực hiện quy định “ai ở đâu ở yên đó”. Khi áp dụng phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp (DN) ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.
Theo bà Đinh Thị Phương Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, khó khăn ''triền miên" là do đóng cửa chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và các chợ truyền thống, bởi Long An tiêu thụ nông sản ở kênh này là chính. Trong khi các nhà máy sản xuất đã giảm công suất đến 90%.
Đặc biệt, với mô hình “3 tại chỗ”, hầu hết các cơ sở giết mổ trong tỉnh không đáp ứng được yêu cầu. “Trong tuần đầu, chúng tôi tiếp nhận 300 cuộc điện thoại đề nghị tháo gỡ khó khăn mỗi ngày. Chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm” - bà Thanh nói.
Bà Trần Kim Nga - Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market Việt Nam, ĐBSCL là vựa cung cấp nông thủy sản cho TP Hồ Chí Minh và cả nước nhưng hiện nay nông dân có xu hướng sản xuất cầm chừng, không mạnh dạn đầu tư nuôi trồng nên lượng hàng tươi sống về siêu thị cũng giảm. Kể cả mặt hàng thực phẩm khô, 1 nhà cung cấp lớn của MM Mega Market tại ĐBSCL gặp sự cố, phải tạm ngừng sản xuất để chống dịch nên hàng hóa cung ứng bị gián đoạn.
Cần sự liên kết, thống nhất
Ông Nguyễn Phước Thiện - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho rằng, để sớm khôi phục sản xuất, cần có sự thống nhất liên kết giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho DN từ tỉnh này qua tỉnh khác thu hoạch, không phải mất thời gian xin phép lại từ đầu, bởi nông sản chỉ cần thu hoạch chậm nửa ngày hoặc 1 ngày là chất lượng đã khác. “3 tại chỗ” hay “4 tại chỗ” cũng không thể kéo dài vì bất tiện và chi phí cao…
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ nêu vấn đề, DN sẽ phục hồi thế nào, điều kiện sản xuất, điều kiện lao động khi mở cửa thì chưa có quy định rõ ràng. Tình hình sản xuất ngưng trệ, nông dân, trang trại, hợp tác xã rất đắn đo, nguồn lực của họ không còn nhiều để có thể tái sản xuất, nguồn nguyên liệu sẽ bị thiếu hụt…
Chế biến thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Giang Lam 
Theo ông Lam, TP Hồ Chí Minh chống dịch khó khăn nhưng khi phục hồi sẽ phục hồi nhanh hơn ĐBSCL. Bởi lẽ TP Hồ Chí Minh chỉ có 1 trung tâm chỉ huy là lãnh đạo TP, còn 13 tỉnh/thành ĐBSCL lại có 13 lãnh đạo khác nhau, giữa các địa phương chưa có thống nhất về giao thương… Các DN phải chịu những thủ tục rườm rà, 1 DN đi từ TP.HCM hay Long An về Cà Mau, Bạc Liêu phải qua 5-6 tỉnh và phải qua 5-6 thủ tục khác nhau.
“ĐBSCL có đặc thù là nhà máy đặt ở địa phương này, vùng nguyên liệu ở địa phương kia, người lao động ở địa phương nọ và thị trường tiêu thụ ở nơi khác. Còn TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ lại là nơi tiêu thụ, cũng là cửa ngõ xuất khẩu của nông sản ĐBSCL, nếu không thông được thì nông nghiệp ĐBSCL sẽ tiếp tục gặp khó khăn” - ông Lam nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, mặc dù có lường trước nhưng thực tế chưa có tiền lệ, chưa có khuôn phép nào, nên phải chấp nhận vừa đi vừa dò đường vừa sửa sai.
Sự lúng túng cho thấy chúng ta đã không kết nối không gian giữa 13 tỉnh ĐBSCL như một thực thể mà lại chia cắt bằng địa giới hành chính một cách cứng nhắc, trong khi một thực thể thì mạch máu nó phải chảy lưu thông với nhau. Nếu xem toàn vùng như một thực thể thì chúng ta sẽ có ứng xử khác.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong câu chuyện này có trách nhiệm của Bộ NN&PTNT khi chưa đảm đương được vai trò điều phối để nối mạch máu khi nó bị đứt gãy. Đó là bài học phải xem lại tư duy vùng.
Chủ trương “người cách ly với người, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh” là chủ trương đúng. Và mỗi xã, phường… là một “pháo đài”. Nhưng, đây là pháo đài phòng chống dịch chứ không phải là pháo đài kinh tế, vì kinh tế không có pháo đài đó mà sự vận hành phải thông suốt.
Nói đến lực lượng thương lái, ông Hoan cho rằng, chưa bao giờ chúng ta đưa thương lái vào trong bản kế hoạch phát triển sản xuất, chỉ nói tới DN, người nông dân mà quên đi thương lái là thành phần cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế chuyển đổi này.
“Đã là một thực thể, là mạch máu thì không có cái phụ cái chính, tất cả đều phải chạy, nếu không nó sẽ phì, sẽ cao huyết áp…” - ông Hoan nói và cho rằng, cần tư duy lại, muốn vậy, chính quyền và DN cần ngồi lại để cùng kiến tạo ra một không gian an toàn, khi đó câu chuyện nó sẽ đỡ trắc trở hơn…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần