Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý do Pháp trở thành “thỏi nam châm” hút giới đầu tư tại châu Âu

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Công ty Kiểm toán Ernst & Young, chiến lược tăng cường sức hấp dẫn đối với đầu tư nước ngoài được Pháp triển khai từ năm 2017, là một trong những yếu tố quan trọng để đưa nước Pháp trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu trong suốt 5 năm qua. 

Pháp tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn nhất châu Âu

 Pháp tiếp tục là trung tâm đầu tư nước ngoài của châu Âu trong năm 2023. Ảnh: Fashionnetwork
 Pháp tiếp tục là trung tâm đầu tư nước ngoài của châu Âu trong năm 2023. Ảnh: Fashionnetwork

Ở năm thứ 5 liên tiếp, Pháp đã vượt qua Đức và Anh để trở thành trung tâm đầu tư nước ngoài của châu Âu trong năm 2023. Theo một nghiên cứu vừa được Công ty Kiểm toán Ernst & Young (EY) công bố tuần trước, Pháp đã thu hút được tổng cộng 1.194 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm ngoái. Số liệu này giảm 5% so với năm trước đó nhưng vẫn giúp Pháp vượt qua các đối thủ khác trong khu vực. Cơ quan Thương vụ Pháp (Business France) cho biết, Pháp là nước đầu tiên ở châu Âu dẫn đầu trong thu hút FDI trong 5 năm liên tiếp.

Trên thực tế, các dự án FDI đã giảm 4% trên khắp châu Âu trong năm 2023, với Anh và Đức ghi nhận mức giảm lần lượt là 6% và 12%. Cụ thể, Vương quốc Anh thu hút được 985 dự án FDI trong năm 2023, trong khi số dự án của Đức là 733. Ba nền kinh tế hàng đầu châu Âu, gồm Pháp, Đức và Anh, chiếm hơn 51% tổng số vốn FDI được “rót” vào lục địa này.

Theo kết quả nghiên cứu của EY, thành tích ấn tượng của Pháp trong 5 năm gần đây là nhờ kết quả từ các làn sóng cải cách đã liên tục tăng tốc trong gần 10 năm qua. EY cũng đặc biệt nêu bật những thay đổi trong quy định luật lao động và việc ban hành Luật Tăng trưởng và Chuyển đổi doanh nghiệp (PACTE) vào năm 2019, được thiết kế để giúp việc thành lập công ty ở Pháp trở nên dễ dàng hơn.

Báo cáo của EY nêu rõ: “Kỹ năng, cơ sở hạ tầng và thị trường là nền tảng tạo nên sức hấp dẫn cho nước Pháp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những lời chỉ trích xung quanh sự phức tạp của hệ thống hành chính, môi trường pháp lý và quy định của Pháp hiện không còn là trở ngại lớn nữa”.

Sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhậm chức vào năm 2017, một trong những cam kết chính của ông là khôi phục nền kinh tế của đất nước thông qua các sáng kiến ủng hộ doanh nghiệp. Trong một bài đăng trên nền tảng X (Twitter cũ), Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã trích dẫn kết quả báo của EY cho biết: “Chúng tôi quyết tâm tiếp tục theo đuổi con đường này với các dự án kinh tế lớn sắp tới, ví dụ như cải cách trợ cấp thất nghiệp, đơn giản hóa quy trình kinh doanh và các sáng kiến nhằm tăng sức hấp dẫn tài chính của Paris”.

Theo Cơ quan Thương vụ Pháp (Business France), báo cáo mới nhất của EY cho thấy Pháp đã nỗ lực duy trì được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. Business France cũng khẳng định kết quả này có được là nhờ chương trình cải cách cơ cấu rộng rãi được thực hiện từ năm 2017 nhằm chuyển đổi nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các công ty và tăng khả năng cạnh tranh.

Liệu Pháp có thể giữ vững danh hiệu của mình?

Tuy nhiên, EY cũng cảnh báo, bên cạnh những thành công đó, không có nghĩa là Pháp không có đối thủ cạnh tranh cho ngôi vương FDI ở châu Âu. Theo ngay sau Pháp là Vương quốc Anh, trong đó thủ đô London được mệnh danh là thành phố châu Âu đứng đầu về thu hút đầu tư quốc tế, mặc dù Anh vẫn xếp sau quốc gia láng giềng về quy mô dự án đầu tư.  

“Mặc dù Pháp đang được hưởng lợi trước những tác động tiêu cực của Brexit cùng với khó khăn của Đức, nhưng không có thể nói trước được điều gì trong tương lai, nhất là khi nước Anh và Đức đều đang đưa ra các mục tiêu và chiến lược thu hút FDI mới” - EY lưu ý.

Trong năm 2022, bất ổn chính trị ở Anh khiến tổng vốn FDI giảm 6%, bất chấp sức hút từ hệ thống thuế thuận lợi của nước này cùng với khả năng phục hồi của London với tư cách là một trung tâm tài chính và công nghệ. Số liệu trong năm ngoái đã được cải thiện, nhưng số lượng dự án FDI ở Anh vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trước Brexit.

Ngoài Italia, Công ty dược phẩm Chiesi có trụ sở tại Parma chỉ đầu tư một dự án FDI duy nhất tại Pháp. Ảnh: DW
Ngoài Italia, Công ty dược phẩm Chiesi có trụ sở tại Parma chỉ đầu tư một dự án FDI duy nhất tại Pháp. Ảnh: DW

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh về FDI tại châu Âu còn đến từ đối thủ bên kia Đại Tây Dương. Trong năm 2023, số dự án tại châu Âu có nguồn vốn từ Mỹ là 1.058, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước đó và giảm 29% so với năm 2019. Báo cáo của EY lý giải rằng điều này là do Đạo luật Giảm lạm phát - một chính sách tạo ra nhiều ưu đãi thuế cho các dự án ở Mỹ - đã ngày càng thu hút được nhiều nhà đầu tư và nguồn vốn quốc tế chảy vào Mỹ.

Tuy nhiên, thông tin đăng trên trang web của Tổng thống Pháp cho biết, chính quyền Paris hiện chưa hài lòng với những thành tựu đạt được về thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đặt quyết tâm tiếp tục “nỗ lực hiện đại hóa và đổi mới” để giữ vững ngôi quán quân thu hút vốn đầu tư tại châu Âu, thông qua các hoạt động cụ thể như mời các nhà đầu tư nước ngoài tới Versailles dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm Choose France.

Vào mùa Thu năm ngoái, Pháp thậm chí còn phát động Make it Iconic, một chiến dịch quảng cáo dựa trên thế mạnh của Pháp “về tính năng động trong công nghiệp và kinh tế, tiềm năng đổi mới và sức sống về văn hóa nghệ thuật”.