Ngày 13/11, tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đã diễn ra Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng" do Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào tổ chức. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Trần Văn Minh và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Say Si Săn Ti Vong chủ trì hội thảo. Tại hội thảo, 14 tham luận được trình bày về nhiều lĩnh vực, công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới như phát huy dân chủ trong Đảng; thực hiện chế độ phê và tự phê bình trong Đảng; kinh nghiệm phát huy dân chủ cơ sở, xây dựng và cũng cố tổ chức cơ sở Đảng ở nông thôn; kinh nghiệm xây dựng tổ chức cơ sở Đảng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng cụm bản trở thành đơn vị phát triển toàn diện; kinh nghiệm đào tạo cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số; kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo kế cận trẻ tuổi; vấn đề sử dụng, bố trí cán bộ sau đào tạo; kinh nghiệm về thực hiện chính sách cán bộ, công chức và chính sách cán bộ với người có công. Nhìn chung, các tham luận trình bày tại hội thảo lần này đều được chuẩn bị công phu và được đặt dưới góc nhìn lý luận khoa học và thực tiễn phong phú nên được các đại biểu hoan nghênh và đánh giá rất cao. Với vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng, ông Phạm Mạnh Khởi, Phó Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng cho rằng dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Dân chủ phải được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật, được pháp luật bảo đảm; có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội. Vì vậy, việc mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng chính là cơ sở để mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội. Theo ông Phạm Mạnh Khởi, để phát huy dân chủ trong Đảng, một số việc cần quan tâm và thực hiện đầu tiên là các tổ chức Đảng phải làm tốt nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách,” nhất là những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến tổ chức, cán bộ và quyền lợi của đông đảo quần chúng nhân dân; phải hết sức tránh “dân chủ hình thức;” phải phát huy cao nhất phong cách dân chủ của người chủ trì; phải nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với các nhiệm vụ của tổ chức Đảng; tiếp tục hoàn thiện quy chế bầu cử trong Đảng. Hoặc với vấn đề: Tổ chức cơ sở Đảng gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng bản trở thành đơn vị phát triển, ông Sẻng Khăm Doong-Phom Mạ Phan Nha, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào cho rằng từ lý luận và thực tiễn muốn làm tốt cần phải đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt quy định của Đảng về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và thực hiện đúng vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức cơ sở Đảng, phải thực hiện tốt việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên hàng năm, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, làm tốt công tác phát triển đảng viên mới; nâng cao chất lượng sinh hoạt của Đảng bộ cơ sở và chi bộ, tập trung củng cố những Đảng bộ, chi bộ yếu kém; tăng cường xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng ở cơ sở; chú ý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc ở cơ sở; tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến rõ nét về phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; tăng cường chỉ đạo của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy đảng cơ sở; tổ chức cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, nhất là tổ chức cơ sở Đảng. Hội thảo khoa học "Lý luận và thực tiễn về công tác tổ chức xây dựng Đảng" bước đầu được đánh giá là đạt kết quả thiết thực, góp phần giúp cán bộ, chuyên viên Ban Tổ chức hai Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; góp phần thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng ở mỗi nước, tăng cường sự gắn bó, hợp tác trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai dân tộc và hai đất nước Việt-Lào anh em. Bên cạnh đó, Hội thảo lần này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn khi được tổ chức đúng vào năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam; kỷ niệm 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 35 năm Ngày hai nước Việt Nam và Lào thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị toàn diện.