KTĐT - Thủ tướng al-Mahmoudi đưa ra cáo buộc trên khi điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou
Hãng thông tấn chính thức của Lybia JANA ngày 10/5 đưa tin Thủ tướng nước này, ông al-Mahmoudi đã cáo buộc chiến dịch không kích của NATO vào Lybia là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc.
Thủ tướng al-Mahmoudi đưa ra cáo buộc trên khi điện đàm với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou về những hậu quả nghiêm trọng của chiến dịch đánh bom do NATO tiến hành.
Thủ tướng khẳng định các cuộc không kích do liên quân thực hiện rõ ràng đã vượt quá quyền hạn mà Liên hợp quốc ủy thác, vi phạm luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương Liên hợp quốc. Ông gọi chiến dịch quân sự của NATO là "hành động vi phạm nghiêm trọng và diễn ra liên tiếp," là "sự gây hấn nhằm vào người dân Lybia."
Tối cùng ngày, ông al-Mahmoudi cũng đã điện đàm với Ngoại trưởng Bungari Nickolay Mladenov.
Các cuộc điện đàm diễn ra sau khi thủ đô Tripolia trải qua đợt oanh kích bất ngờ đêm 9/5 rạng sáng 10/5. Một trụ sở cơ quan của chính phủ, từng là mục tiêu trong vụ tấn công trước đó, đã bị phá hủy hoàn toàn và một tháp viễn thông điện thoại đã bị đổ sập.
Trong một diễn biến liên quan, Vênêxuêla ngày 10/5 đã đề nghị thành lập một cơ chế quốc tế độc lập và công bằng nhằm tìm cách ngăn chặn xung đột tại Lybia thông qua con đường hòa bình, đảm bảo chủ quyền, đoàn kết và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.
Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đại diện thường trực của Venezuela tại Liên hợp quốc, ông Jorge Valero nhấn mạnh việc tìm cách thay đổi Chính phủ Lybia từ bên ngoài là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và Nghị quyết 1973 về tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lybia. Việc hành động như một đạo quân để ủng hộ lực lượng chống chính phủ đã hủy hoại tính nhân đạo của hoạt động bảo vệ người dân trong các cuộc xung đột vũ trang.
Ông cũng tố cáo một số nước đang cung cấp vũ khí và cố vấn quân sự cho lực lượng chống chính phủ tại Lybia “trong khi cần giữ lập trường không thiên vị trong một cuộc xung đột nội bộ của một nước mà lẽ ra phải do nhân dân nước đó tự giải quyết một cách độc lập.”
Các cuộc biểu tình rầm rộ, bắt đầu tại Lybia từ tháng Hai vừa qua, đã leo thang thành một cuộc giao tranh giằng co giữa một bên là lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Lybia Muammar Gadhafi, với bên kia là lực lượng chống chính phủ ở miền Đông nước này.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1973, cho phép thiết lập vùng cấm bay tại Lybia. Nhóm tiếp xúc quốc tế về Lybia họp tại Roma, Italy, hôm 6/5 đã cam kết hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho một quỹ đặc biệt nhằm trợ giúp tài chính cho lực lượng chống chính phủ./.