Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạ khay máy cấy giúp tăng năng suất lúa từ 10 - 15%

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/6, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức tham quan, đánh giá kết quả mô hình sản xuất mạ khay để mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy năm 2019 tại xã Liên Hà (huyện Đông Anh).

Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất mạ khay quy mô 108.000 khay mạ để cấy máy cho 200ha lúa. Mô hình được thực hiện tại 5 xã thuộc 4 huyện: Ứng Hoà (2 xã); Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh - mỗi địa phương thực hiện tại 1 xã. 
Cấy lúa bằng máy và mạ khay tại huyện Đông Anh 
Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương tham gia mô hình 50% giống lúa với định mức 45kg/ha; 50% khối lượng giá thể và 50% khay nhựa đựng mạ theo định mức 1,2 tấn giá thể và 270 khay/ha.
Kết quả đánh giá vụ Xuân 2019 cho thấy, lúa canh tác bằng mạ khay máy cấy sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 60 - 62 tạ/ha. So với canh tác truyền thống, mô hình mạ khay máy cấy giúp giảm chi phí sản xuất từ gần 3,9 - 5,45 triệu đồng/ha.
Ông Lê Văn Tỵ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp xã Liên Hà (huyện Đông Anh), một trong 5 đơn vị tham gia mô hình, cho biết bên cạnh tiết giảm chi phí cho người nông dân, việc áp dụng mạ khay máy cấy còn giúp ruộng lúa thông thoáng, giảm sâu bệnh hại, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt là cho năng suất lúa cao hơn từ 10 - 15% so với cấy tay truyền thống.
Từ thành công từ mô hình trong vụ Xuân 2019, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục triển khai hỗ trợ tiếp mô hình trong vụ Mùa 2019. Định mức hỗ trợ giống như trong vụ Xuân. Hiện, tại 5 điểm thực hiện mô hình tại 4 huyện kể trên, đã hoàn thành việc gieo mạ, đang tiến hành cấy máy. 
Quang cảnh hội nghị 
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, sau dồn điền đổi thửa, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP đã được đầu tư ngày một đồng bộ. Ở khâu làm đất và thu hoạch, hiện tỷ lệ cơ giới hoá đã đạt gần 100%. Tuy nhiên, đối với khâu làm mạ, gieo cấy thì tỷ lệ cơ giới hoá còn thấp, có địa phương chưa đạt 2%.
Chính vì vậy, trên cơ sở đánh giá hiệu quả mô hình, ông Đại đề nghị Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng. Chú trọng áp dụng các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với tạo điều kiện về vốn vay để các hộ có thể tham gia đầu tư sản xuất mạ khay, máy cấy, Trung tâm cũng cần tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng chuỗi, thu mua lúa gạo, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.