Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Made in China 2025: Tham vọng "hổ giấy" của Trung Quốc?

Tú Anh (Theo Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kế hoạch này được coi là cốt lõi của sự tranh chấp dẫn tới cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Được công bố từ năm 2015, "Made in China 2025" là chính sách dành cho ngành công nghiệp chế tạo Trung Quốc; đồng thời là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để Chính phủ Trung Quốc thực hiện chiến lược biến Trung Quốc thành "cường quốc chế tạo".
 Ảnh minh họa

Theo kế hoạch này, dự kiến đến năm 2025 Trung Quốc sẽ từ "chế tạo đại quốc" trở thành "chế tạo cường quốc"; sau đó đến năm 2035 ngành chế tạo Trung Quốc sẽ vượt qua các cường quốc chế tạo Đức và Nhật.

Đây cũng là một trong những kế hoạch khiến Mỹ lo ngại khi Chính phủ Trung Quốc theo đuổi các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, nhất là các ngành công nghệ và kỹ thuật cao như viễn thông, vũ trụ, trí tuệ nhân tạo. Mỹ lo ngại các vấn đề bản quyền hay sở hữu trí tuệ sẽ bị "Made in China 2025" tác động tiêu cực.  

Kế hoạch này cũng được coi là cốt lõi của sự tranh chấp dẫn tới cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, các báo cáo từ Bloomberg cho thấy Bắc Kinh sẽ khó đạt được những mục tiêu này trong ngắn hạn. Theo số liệu, Trung Quốc ngày càng không cần viện đến các công xưởng nước ngoài. Số lượng linh kiện nhập khẩu đã giảm trong vòng 20 năm qua. Hầu hết các thiết bị cơ bản hiện được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng thực tế là nhiều tập đoàn nước ngoài có trụ sở tại Trung Quốc cũng cung cấp ngay cho nước sở tại. Một ví dụ là tập đoàn Thụy Sĩ ABB sản xuất gần 90% các cấu phần để sản xuất máy biến áp, robot và thiết bị điện ở Trung Quốc và bán phần lớn sản phẩm tại đây.

 “Made in China 2025” cũng xác định 10 lĩnh vực và đưa ra các mục tiêu tăng cường sản xuất trong nước về linh kiện và vật liệu. Hàng trăm tỷ USD đã đổ vào lộ trình này, dù vậy vẫn chưa hiệu quả. 

Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn so với các cường quốc về công nghệ như Mỹ và Nhật Bản tính theo phần trăm GDP. Việc đổ hàng trăm tỷ USD vào tiến bộ công nghệ hay chi phí cho R&D của Trung Quốc cũng chưa có hiệu quả nhãn tiền. Tại một diễn đàn kinh tế gần đây, một quan chức cấp cao thuộc Ủy ban Các vấn đề tài chính và kinh tế của Quốc hội Trung Quốc cho biết nước này có khả năng không hoàn thành được mục tiêu chi tiêu R&D trong kế hoạch 5 năm tới năm 2020. Bắc Kinh sẽ tiêu ít hơn khoảng 100 tỷ USD so ngân sách đề ra cho lĩnh vực này.

Trong khi đó, CEO của các nhà sản xuất máy Đức khẳng định chuyên môn của Trung Quốc có khả năng đạt đến cấp độ thứ hai hoặc ba, nhưng chưa đạt mức cao nhất. Năm 2017, sản xuất công nghệ cao chỉ chiếm dưới 13% tổng giá trị gia tăng ngành công nghiệp Trung Quốc. Hơn một nửa các tiêu chuẩn của Trung Quốc cho sản xuất thông minh chưa phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó có thể cản trở các DN nước ngoài, nhưng đồng thời chặn bước của các tập đoàn Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, "Made in China 2025" có thực sự đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc công nghệ hay chỉ là "con hổ giấy" vẫn còn là điều gây tranh cãi.