Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Made in Japan” và niềm tin rạn vỡ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, một loạt công ty của Nhật Bản vướng vào bê bối gian lận sổ sách, làm giả dữ liệu đã khiến lòng tin vào các DN nước này bị sụt giảm, đe dọa trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Nhật Bản với danh tiếng quốc gia được khẳng định từ các sản phẩm “Made in Japan” đang phải đối mặt với nguy cơ rất lớn từ các vụ bê bối của một loạt DN lớn. Đầu tiên, Công ty lốp xe Toyo Tire & Rubber thừa nhận, một cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện một bộ phận trong công ty thao túng dữ liệu kiểm tra chất lượng các sản phẩm cao su cung cấp cho 18 khách hàng trong suốt một thập kỷ qua.

Tiếp đó, một tòa nhà chung cư 11 tầng do Công ty Xây dựng Asahi Kasei thực hiện đã bị nghiêng, hé lộ vụ bê bối làm giả dữ liệu về cọc móng các dự án chung cư của công ty này. Nhóm nghiên cứu Mitsui Fudosan phát hiện, Công ty Asahi Kasei đã sử dụng dữ liệu từ các tòa nhà được hoàn thành trước đó để trình nhà thầu chính, khiến dữ liệu cho 38 trong số 473 chiếc cọc đỡ các tòa nhà này không chính xác. Việc làm giả các số liệu khiến Công ty Asahi Kasei phải kiểm tra dữ liệu của 3.000 khu nhà chung cư và các tòa nhà do công ty này thực hiện.
“Made in Japan” và niềm tin rạn vỡ - Ảnh 1
Trước đó, hãng chuyên sản xuất túi khí ô tô Takaka phải thu hồi hơn 40 triệu xe do đã cung cấp sản phẩm lỗi, gây mất an toàn cho người sử dụng. Những bê bối này chưa lắng xuống đã xuất hiện thông tin chuỗi cửa hiệu dược phẩm Matsumotokiyoshi đã có những hành vi gian dối nhằm che giấu những khoản thua lỗ.

Lãnh đạo các công ty đã đứng ra nhận trách nhiệm và cam kết sẽ khắc phục hậu quả nhưng chuỗi bê bối gian lận của các DN lớn tại Nhật Bản vẫn khiến dư luận bất ngờ và các giá trị xây dựng từ “Made in Japan” đã bị lung lay. Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế lo ngại, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản đang hy vọng phục hồi dưới những cải cách kinh tế của Thủ tướng Shizo Abe.

Chuỗi bê bối gian lận này có thể khiến người tiêu dùng trong nước quay lưng với các DN quốc nội, trong khi lĩnh vực tiêu dùng tư nhân chiếm đến 60% nền kinh tế Nhật Bản. Trong thời gian qua, các chỉ số về tiêu dùng tư nhân của Nhật Bản vốn đã giảm sút do đồng Yên yếu đi và thuế nhập khẩu tăng lên, khiến nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thể phục hồi bền vững. Văn phòng Nội các Nhật Bản đã đánh giá, niềm tin tiêu dùng trong tháng 10 đang yếu đi. Bộ trưởng Kinh tế Akira Amari đã từng cảnh báo, kinh tế Nhật Bản đang vướng vào vòng luẩn quẩn: Người tiêu dùng càng co cụm, nền kinh tế càng yếu. Kết quả là GDP đã giảm 1,2% trong quý II do sụt giảm xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng yếu.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ “chùn tay” trước quyết định đầu tư vào các công ty Nhật Bản. Ông Jeff Kingston - chuyên gia nghiên cứu về châu Á thuộc Đại học Temple cảnh báo, người tiêu dùng nhận ra rằng thương hiệu Nhật Bản, vốn dựa trên những sản phẩm chất lượng cao đặc biệt, hóa ra không tốt như họ vẫn tưởng. Trước các mối đe dọa với nền kinh tế vừa thoát khỏi khủng hoảng, Thủ tướng Shinzo Abe đã phải hối thúc các công ty Nhật tăng cường quản trị DN thông qua cải thiện sự minh bạch nhằm lấy lại sự ủng hộ lớn hơn từ giới đầu tư toàn cầu.