Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mai một nghề đan võng Thao Nội

Bài, ảnh: Nga Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Thao Nội, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên có nghề đan võng với truyền thống hàng trăm năm, tuy nhiên do hiệu quả kinh tế thấp và sức hút từ nghề mới đã đẩy làng nghề đứng trước nguy cơ mai một.

Một thời vang bóng
Nhiều năm trước, nói đến võng lưới là người ta nhớ ngay đến thôn Thao Nội, thuộc xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Nghề làm võng ở thôn Thao Nội có lịch sử hàng trăm năm nay và đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Có thời điểm cả làng Thao Nội nhà nào cũng làm võng, nhiều hộ còn thành lập cả xưởng sản xuất, trong xưởng lúc nào cũng có hàng chục công nhân làm việc. Những chiếc võng do người thợ ở Thao Nội làm ra luôn đảm bảo độ chắc, bền, thoáng mát… Bên cạnh đó, giá thành một chiếc võng lưới cũng khá rẻ, chỉ hơn 20.000 đồng/chiếc, rất phù hợp với những gia đình ở nông thôn. Vì vậy, sản phẩm của làng nghề được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng.

Bà Lê Thị Nhuận, thôn Thao Nội đang đan võng tại gia đình.

Nghề đan võng tuy không phải nghề để làm giàu nhưng đã giúp người dân Thao Nội có cuộc sống ổn định bao đời nay. Tuy nhiên, trước tác động của nền kinh tế thị trường và sự phát triển khoa học công nghệ, sản phẩm võng lưới truyền thống ở làng nghề Thao Nội đã phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các mặt hàng làm bằng máy móc hiện đại. Và trên thị trường hiện nay có nhiều loại võng như võng gai, võng dù, võng vải,…
Hiện tại, trong làng hầu như không còn hộ gia đình nào làm nghề theo đúng nghĩa nữa mà chỉ còn một số ít người già duy trì nghề để có thêm đồng ra đồng vào. Một số đại lý mở ra nhưng nhập nguyên liệu về, rồi đi thuê người ở địa phương khác hoàn thiện sản phẩm. Quá khứ “vàng son” của làng nghề nay chỉ còn là một thời vang bóng.
Tạo động lực để hồi sinh
Đang miệt mài ngồi đan võng tại gia đình, bà Lê Thị Nhuận, thôn Thao Nội chia sẻ: “Công cán của nghề này chẳng đáng là bao, tôi làm cật lực cả ngày mới thu nhập được khoảng 30.000 đồng”. So với các nghề khác thì mức thu nhập này quá thấp nên nhiều thợ giỏi của làng đã buộc phải bỏ nghề dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Để có đủ hàng giao cho khách, các đại lý bán buôn võng ở làng phải sang địa phương khác truyền dạy nghề, sau đó nhập nguyên liệu về giao cho họ hoàn thiện.
Là một người có trên 50 năm gắn bó với nghề đan võng, ông Nguyễn Duy Khương, thôn Thao Nội không giấu nổi nỗi buồn khi nhắc về tương lai của làng nghề. Ông trầm ngâm cho biết: “Gia đình tôi có 3 đời gắn bó với nghề đan võng, nhưng hiện nay đến đời các con tôi thì không còn ai theo nghề truyền thống của cha ông nữa”. Không chỉ riêng nhà ông Khương, hầu hết lớp trẻ ở thôn Thao Nội đều không còn mặn mà với nghề đan võng truyền thống. Nguyên nhân chính là bởi vài năm gần đây, địa phương xuất hiện nghề làm túi da. Hiện nay, có tới 80% dân số trong làng tham gia vào nghề làm túi da. Đây là một nghề mới cho thu nhập khá ở địa phương.
Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà Nguyễn Thị Thùy Dung cho biết, nghề đan võng tuy không mang lại hiệu quả kinh tế cao như một số nghề mới nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Chính vì vậy, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi để các hộ sản xuất tiếp tục bám trụ với nghề. Tuy nhiên, cái khó nhất là thu nhập từ nghề truyền thống quá thấp nên người dân buộc lòng phải chuyển sang nghề khác để mưu sinh. Vì vậy, thời gian tới, những người làm nghề đan võng ở địa phương cần phải chủ động ứng dụng công nghệ để nâng cao giá trị sản xuất. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần có định hướng cụ thể, rõ ràng cho làng nghề phát triển. Có như vậy, làng nghề thủ công truyền thống mới có cơ hội hồi sinh và phát triển trong xu thế hội nhập hiện nay.