Mâm ngũ quả của bà

Anh Thư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài rằm tháng Chạp, bà cho hạ buồng chuối đã ướm sẵn trong khu vườn từ mấy tháng trước.

Dựa buồng chuối vào góc tường chờ cho ráo nhựa, mấy hôm sau bà ra nải, cẩn thận nhích lưỡi dao từng chút một, tránh nhựa rây ra. Lưỡi dao làm thành một vệt phẳng lì trên cuống chuối.
 

Trước ngày 30 Tết, cha đạp chiếc xe thống nhất xuống nhà ngoại, lựa những nải chuối đẹp nhất, chuẩn bị bày mâm ngũ quả. Trên cái mâm bồng cũ kỹ đặt giữa sập gụ, cha kết nối từng nải chuối, nải nọ khớp với nải kia, nải này chồng lên nải khác tạo thành vòng tròn khép kín. Vòng tròn co dần lại, đầy dần lên, vừa chỗ để đặt quả bưởi còn nguyên cuống lá. Đến lúc đó, cha giống như người thợ đã xây xong phần thô của ngôi nhà. Cha sẽ trang trí thêm cho mâm ngũ quả bằng những vật liệu dễ kiếm mà bà vừa mua ở chợ làng. Những quả quất, quả cam màu vàng tươi, quả táo màu tím hồng được kẹp vào giữa các quả chuối xanh thẫm, vừa che lấp được khe hở, vừa tạo màu sắc bắt mắt.

Chuối để bày mâm ngũ quả phải là chuối tiêu quả dài chứ không thể dùng loại chuối quả ngắn, bẹ nhỏ như chuối tây, chuối sứ, càng không thể là chuối ngự. Vả lại, về mùa Đông, chuối tiêu thơm ngọt, khi chín dần ngả màu vàng rượi rất đẹp. Xếp chuối có lẽ là công đoạn khó nhất. Bằng chứng là trong số những người con trai, con gái, con dâu con rể của bà, chỉ có cha thuyết phục được những nải chuối kết nối với nhau nhuần nhị, vừa gọn gàng đầy đặn, vừa trang nghiêm trên cái mâm bồng xưa cũ. Giữa cha và bà là một hợp đồng không kí bằng văn bản, không giao kèo bằng câu cú nhưng luôn đúng hẹn suốt mấy chục năm. Chỉ có cha mới bày được mâm ngũ quả ưng lòng bà. Ngày Tết, bà không chú trọng lắm đến việc ăn cái gì, nhiều hay ít bánh chưng. Nhưng bà cho rằng mâm ngũ quả là chung đúc hạnh phúc sum vầy của cả gia đình, vì thế phải đầy đặn để thể hiện được trọn vẹn ý tình trong năm mới. Nhà ngoại thuộc diện hộ nghèo trong làng, nhưng ai đến chúc Tết cũng phải khen mâm ngũ quả đẹp quá, bày biện khéo quá. Trong nồng ấm khói hương, những quả chuối xanh dần chuyển sang vàng. Đến chừng mồng ba mồng bốn Tết, cả mâm ngũ quả vàng rực lên, thơm ngát. Sau lễ hóa vàng, đồ ăn thức uống bày trên ban thờ được hạ xuống, từng nải chuối dời nhau ra, ấy là lúc Tết đã hết, cuộc sống lại trở về vòng quay thường nhật.

Nhiều năm rồi bà không còn ở trên trần gian nữa. Cha vẫn giữ lệ cũ, xuống nhà mẹ vợ bày mâm ngũ quả vào trước ngày ba mươi Tết. Không có ai đưa cho cha từng nải chuối, từng quả cam, quả quất. Không có ai trò chuyện cùng cha những câu chuyện xóm làng trong khi cha đang cặm cụi lau dọn bàn thờ, bày biện từng cái bát cái chén. Nhưng cha vẫn đảm đương nhiệm vụ của mình trọn vẹn, như thể một thói quen đã thành nếp, một thủ tục để bước sang năm mới. Vẫn chừng ấy thứ quả, gọi chung là ngũ quả, năm thứ thôi, không hơn không kém, cho dù các sản vật địa phương giờ đây được bày bán vô cùng phong phú. Phần quan trọng nhất của mâm quả vẫn là những nải chuối được lấy từ mảnh vườn quen thuộc, kết nối với nhau, cao dần đầy dần lên, mang lại sự sum vầy ấm áp. Con cháu quanh năm sống xa quê, ngày Tết đều trở về ngôi nhà của ngoại như để nhận lấy một thông điệp, nắm chắc hơn sợi dây thiêng liêng của tình ruột thịt, quê hương. Trong căn nhà gỗ, mùi trầm hương, mùi bánh chưng, mùi hoa trái vườn nhà tỏa ra thơm ngát.