Theo thống kê của Bộ Y tế: Kết quả khảo sát liên tục từ năm 2011 - 2016, toàn quốc đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 người mắc, trong đó có 164 người chết. Tính trung bình có gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Đồng thời chỉ rõ, nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể vẫn còn rất cao.
Hơn 5.000 người bị ngộ độc thực phẩm/năm
Đánh giá các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ATTP, lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế cũng chỉ ra tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản, sử dụng phụ gia trong chế biến ngày càng phức tạp. Phần lớn thực phẩm tươi sống chưa có nhãn mác, dấu hiệu nhận diện và thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Trong giai đoạn 2011 - 2016, nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật (chiếm 40,2%), nguyên nhân do độc tố tự nhiên chiếm 27,9%, do hóa chất chiếm 4,3% và còn 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.
Trước vấn đề Đoàn giám sát đặt ra là việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về ATTP đầy đủ, đồng bộ, kiểm tra thường xuyên, vậy tại sao mất ATTP vẫn ở mức báo động, thậm chí ở một vài địa phương đã ở mức báo động “đỏ”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Đúng là trách nhiệm của 3 Bộ nhưng có phần trách nhiệm ít được nhắc đến đó là chính quyền địa phương. Theo Bộ trưởng, nếu sửa luật, nếu xã hội hóa được, thực hiện được các giải pháp theo đề xuất của các Bộ thì cũng chỉ có thể từ “báo động đỏ” sang “báo động vàng”, chứ để “xanh” được thì rất khó. Đồng thời cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến “báo động đỏ” của ATTP là do xử lý chưa nghiêm và Bộ luật Hình sự đang được sửa đổi cần phải quan tâm sâu sắc hơn tới điều này, chứ “để chết người thì còn nói chuyện gì nữa”.
Xử lý chưa đủ “độ”?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng đặt lại vấn đề: Nếu ở đâu chính quyền địa phương quan tâm sâu sát thì tình hình sẽ rất khác
Tuy nhiên, theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, thành viên Đoàn giám sát, bản chất những yếu kém trong quản lý vệ sinh ATTP không nằm ở chế tài không đủ mạnh, vì Bộ luật Hình sự có nhiều quy định khá nghiêm khắc. Bản chất câu chuyện nằm ở người được giao thẩm quyền không làm hết trách nhiệm.
Dẫn ra con số từ các báo cáo đã nêu rõ, bình quân mỗi năm có 30.000 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATTP, song tính trung bình, mỗi vụ chỉ xử phạt được 200.000 đồng, không có vụ việc nào bị xử lý hình sự, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, “phải xem lại là cách xử lý của chúng ta đã đủ độ để tất cả các vi phạm đó phải được xử lý nghiêm minh. Chúng ta có làm được điều đó không?”. Và phải “nhìn thẳng vào sự thật, không bôi đen cũng không tô hồng, thấy rõ khuyết điểm mới có thể khắc phục được”.
Đại diện các Bộ đề nghị, cùng với thanh tra, kiểm tra quyết liệt, cần tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATTP. Giải pháp lâu dài là việc quản lý ATTP phải thực hiện theo nguyên tắc kiểm soát toàn bộ quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”; kiểm soát chặt chẽ những công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ quy trình sản xuất và cung ứng nông lâm thủy sản.
Trong cuộc giám sát, các Bộ đều đưa ra vấn đề kinh phí thấp cũng ảnh hưởng đến hiệu quản lý ATTP. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, giai đoạn 2011 - 2016, Bộ được cấp 192.370 triệu đồng từ nguồn ngân sách. Nguồn thu được để lại phục vụ trực tiếp cho quản lý ATTP (phí, lệ phí) là 959.143 triệu đồng. Bên cạnh đó, thông qua 7 dự án ODA, Bộ còn nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật quốc tế của nước ngoài với tổng kinh phí 2.108.765 triệu đồng. Mức kinh phí trên là rất hạn chế so với mục tiêu đặt ra tại nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược quốc gia về ATTP. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng nêu, kinh phí cấp cho hoạt động quản lý ATTP của ngành Công Thương cũng rất hạn chế. Cụ thể, tổng kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho hoạt động đảm bảo ATTP của ngành giai đoạn 2011 - 2015 (5 năm) chỉ có 101 tỷ đồng. |