Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Máy bay không người lái của Ukraine: Lấy cảm hứng từ IS?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "Ukraine đang cho thấy họ là bậc thầy trong chiến tranh đương đại và ngoại giao kỹ thuật số" - Sean Heuston, giáo sư về tuyên truyền, xung đột xã hội và nghiên cứu truyền thông tại The Citadel, Đại học Quân sự South Carolina (Mỹ), bình luận với Newsweek.

Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị điều khiển máy bay không người lái giám sát từ một cánh đồng ngoại ô thủ đô Kiev, tháng 11/2022. Nguồn: Newsweek
Một binh sĩ Ukraine chuẩn bị điều khiển máy bay không người lái giám sát từ một cánh đồng ngoại ô thủ đô Kiev, tháng 11/2022. Nguồn: Newsweek

Động lực từ những cảnh quay chiến trường

Các tiểu đoàn Ukraine như White Wolves (Sói trắng) đã và đang thực hiện nhiều video trên trận địa để đăng tải trên mạng xã hội. Trong đó cũng bao gồm không ít cảnh quay cực đoan, ví dụ như một vụ hành quyết bằng búa tạ với một cựu tù nhân đã chạy trốn khỏi tập đoàn lính đánh thuê Wagner của Nga, hay một video có vẻ như cho thấy cảnh một người lính Ukraine bị chặt đầu bằng dao.

Hoạt động này được cho lấy cảm hứng từ “những đổi mới” do Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS thực hiện trong quá trình bành trướng trên khắp Syria và Levant gần 10 năm trước. Nhóm khủng bố này đã tung ra các video bạo lực, bóng bẩy, là một phần trong chiến dịch tuyển dụng rộng lớn của chúng. IS đã cắt ghép các cảnh quay kích thích, có tác động lớn về mặt cảm xúc để đánh vào ý thức yếu ớt của các mục tiêu mà nhóm này muốn kêu gọi.

Đối với Ukraine, động lực đằng sau việc tạo ra các video từ tiền tuyến khói lửa là nhằm thu hút người xem trên toàn cầu, để đảm bảo rằng cuộc chiến chống Nga của đất nước này không bị lãng quên, và hơn hết là để chứng minh rằng sự hỗ trợ về tài chính - quân sự của phương Tây dành cho Kiev không vô ích.

Đây là một nhận định được đăng tải trên tạp chí Newsweek của Constantine Kalynovskyi - người từng phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine vào năm 2014 - thời điểm vùng Donbass bắt đầu trở thành điểm nóng xung đột giữa Nga và Ukraine.

Kalynovskyi đã phục vụ trong 14 tháng trước khi xuất ngũ do xung đột tại Donbass sau đó tạm đóng băng. Kalynovskyi chuyển đến Mỹ vào năm 2018, hiện đảm nhận vai trò hỗ trợ các đơn vị Ukraine mua thiết bị bảo vệ, y tế và giám sát - bao gồm cả máy bay không người lái DJI Mavic 3 đang được binh lính sử dụng để quay cảnh chiến trường.

“Vào năm 2014, những video như vậy thực sự rất hiếm. Máy bay không người lái duy nhất có sẵn vào thời điểm đó là máy bay không người lái chuyên nghiệp phục vụ mục đích quân sự” - Kalynovskyi nói với Newsweek - “Máy bay không người lái giám sát xuất hiện sau này đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ trên chiến trường”.

Kalynovskyi nói thêm: “Chúng ta đã thấy viện trợ quân sự đổ đến Ukraine từ các quốc gia hỗ trợ như thế nào. Nó chỉ đến khi Ukraine thành công, bởi không ai muốn giúp đỡ một người không biết cách tận dụng sự hỗ trợ”. “Với các cảnh quay bằng máy bay không người lái này, Ukraine cho khả năng phòng thủ, chiến đấu, chúng tôi có thể đứng vững… Những cảnh quay được các phương tiện truyền thông dẫn lại đã củng cố sự ủng hộ dành cho Ukraine trên toàn thế giới”.

Cảnh quay đơn vị White Wolves của Ukraine phá hủy xe tăng của quân đội Nga

“Game hóa” các video chiến đấu

Đơn vị White Wolves của Ukraine đã phát hành nhiều video trong suốt cuộc xung đột, cho thấy cách lực lượng của họ tiêu diệt thành công các mục tiêu của Nga, bao gồm cả xe tăng. Một đoạn clip như vậy đã được Dịch vụ an ninh của Ukraine (SBU) đăng tải trên Twitter hồi tháng 3, cho thấy hình ảnh từ trên không của các phương tiện quân sự phát nổ sau khi bị tấn công từ trên cao.

Sean Heuston, giáo sư về tuyên truyền, xung đột xã hội và nghiên cứu truyền thông tại The Citadel, Đại học Quân sự South Carolina (Mỹ), bình luận với Newsweek rằng đoạn clip đó là “một ví dụ điển hình về việc ứng dụng game vào các video chiến đấu, khi có sự trùng lặp kỳ lạ giữa các video trò chơi điện tử với cảnh quay thực tế”. Theo ông, kỹ thuật video này cũng đã từng được nhóm khủng bố IS sử dụng.

Heuston cho biết, IS chú trọng một loại video tuyên truyền “vô tình hấp dẫn khán giả thanh thiếu niên”. “Chúng thường giống phim hành động và ưu tiên xung đột kịch tính, cho dù đó là cảnh chiến đấu hay cảnh hành quyết. Và do đó, chúng có nhiều khả năng tạo ra lượt xem và lượt nhấp vào hơn” - ông nói.

Heuston nói thêm rằng một số học viên của ông, khi được xem những video về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, đã thừa nhận rằng họ rất khó phân biệt được đâu là cảnh quay chiến đấu ngoài đời thực và đâu là cắt từ game. “Các video của White Wolves sắc nét và rõ ràng đến mức bạn thậm chí có thể nhìn rõ loại đạn đang được sử dụng khi chúng đang bay về phía mục tiêu” - ông nói.

Liên quan đến vấn đề này, vị giáo sư nhận định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã sử dụng phương tiện truyền thông “một cách xuất sắc” trong cuộc chiến hiện nay.

“Loại video mà Ukraine phát hành không phải là tư liệu nhằm mục đích tham khảo. Đó là một phần trong chiến lược lớn của Ukraine, sử dụng các hình thức quyền lực khác nhau, từ ngoại giao truyền thống đến kêu gọi công chúng qua mạng xã hội” - Heuston nêu quan điểm - “Tôi muốn nói rằng Ukraine đang cho thấy họ là một bậc thầy trong chiến tranh đương đại và ngoại giao kỹ thuật số”.

Bỏ qua các cảnh quay chiến đấu, Kalynovskyi nhấn mạnh rằng máy bay không người lái vẫn là yếu tố thay đổi chiến địa, ít nhất là so với khi ông còn phục vụ trong Lực lượng vũ trang ở Ukraine hồi năm 2014.

“Trước đây, bạn sẽ cần một số người quan sát tiền tuyến để cho bạn biết liệu bạn có bắn trúng mục tiêu hay không, nhưng giờ đã có máy bay không người lái” - Kalynovskyi giải thích - “Máy bay không người lái là thứ mà tôi vẫn gọi là hệ số nhân lực. Nếu đơn vị của bạn có nó và biết cách sử dụng, hiệu quả của bạn có thể được nhân lên gấp 10”.

“Và bởi Ukraine đang sử dụng những máy bay không người lái thương mại giá rẻ này, tôi dám nói rằng đó là một trong những lý do chính khiến Ukraine đã chiến thắng - ở Kiev, Chernihiv, Kharkiv hay ở Sumy. Bởi đơn giản là chúng tôi có thông tin tình báo. Ở đây, thông tin chính là chìa khóa”.