Nhờ thường xuyên cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và một số nước khác.
Nâng chất lượng để vượt khó
Nghề mây tre đan phát triển đã nuôi sống người dân Ninh Sở từ bao đời nay. Có thời điểm 80% lao động trong xã làm nghề. Nghề này tuy không quá vất vả nhưng đòi hỏi người thợ sự tỉ mỉ và kiên nhẫn. Mọi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng thủ công nên giá trị lớn nhất trong mỗi sản phẩm chính ở sự kỳ công. Kỹ thuật đan của nghệ nhân Ninh Sở đã đạt mức chỉ cần nhìn ảnh có thể đan để tạo thành những bức ảnh chân dung hoặc tranh phong cảnh. Đây không đơn giản chỉ là những sản phẩm tre nứa bình thường mà còn là những tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, sản phẩm mây tre đan Ninh Sở rất được khách hàng trong nước cũng như nước ngoài ưa chuộng.
Tuy nhiên, mấy năm gần đây các sản phẩm nhựa ồ ạt xuất hiện trên thị trường với giá rẻ, mẫu mã phong phú và nhiều tính năng vượt trội nên người tiêu dùng đã quay lưng lại với sản phẩm từ mây tre đan. Hàng làm ra không có thị trường tiêu thụ, vì vậy sản xuất của làng nghề bị thu hẹp đáng kể. Thị trường bấp bênh, giá thành không tương xứng với sức lao động nên nhiều người dân đã phải bỏ nghề hoặc chuyển sang làm nghề khác. Toàn xã hiện chỉ còn khoảng 30% lao động tham gia làm nghề.
Để giải quyết những khó khăn trên, các nghệ nhân đã nghiên cứu, sáng tạo và thiết kế ra nhiều mẫu mã mới, kỹ thuật tinh xảo, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Ngoài những sản phẩm truyền thống, Ninh Sở đã sáng tạo các loại lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt và các vật dụng phục vụ trong các khách sạn, nhà hàng. Các chủ cơ sở đã chủ động liên kết tìm kiếm khách hàng để có hợp đồng sản xuất, đưa hàng xuất khẩu ra nước ngoài tạo việc làm cho người dân làng nghề.
Tìm đường xuất ngoại
Hiện nay sản phẩm mây tre đan của Ninh Sở đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó phải kể đến những thị trường lớn như các nước Đông Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sản phẩm của làng nghề được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Việc đưa hàng mây tre đan xuất khẩu chính là tìm ra “con đường thoát hiểm” cho làng nghề mây tre đan Ninh Sở trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, yêu cầu về kỹ thuật đối với hàng xuất khẩu rất cao, chính vì vậy làng nghề phải thay đổi hình thức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình sang sản xuất lớn, tập trung. Các DN đầu tư trang thiết bị hiện đại, có vai trò tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nguyệt - chủ cơ sở mây tre đan Nguyệt Vũ, thôn Xâm Dương 3 chia sẻ, hàng sản xuất đại trà ở địa phương trước đây không đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Do vậy, cơ sở phải đặt hàng các nghệ nhân đan phần thô, sau đó nhận về gia công lại mới ra một sản phẩm hoàn thiện. Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình chị Nguyệt có doanh thu hàng năm trên 3 tỷ đồng. Cơ sở cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với mức thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng và hàng trăm lao động vệ tinh tại các thôn trong xã. Bài toán đặt ra cho làng nghề hiện nay chính là nguồn lao động có tay nghề cao ngày một ít đi. Vì vậy, để phát triển sản xuất và kinh doanh xuất khẩu mây tre đan bền vững, trước hết Ninh Sở cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề, xây dựng đội ngũ nghệ nhân. Các DN cần tự xây dựng chiến lược thị trường, chủ động tìm hiểu thị trường để đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Người làm nghề ở Ninh Sở rất mong được các cấp chính quyền TP tạo điều kiện, hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mặt bằng để ổn định sản xuất.