Các đại biểu cũng đặt ra phải cắt giảm các dự án không cần thiết, lãng phí, giữ nghiêm kỷ luật tài chính. Việc cắt đi là để có nguồn phân chia cho các dự án khác.
Tại buổi thảo luận, các bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT cũng đều thừa nhận, ngân sách hạn hẹp, ODA giảm, thu hút xã hội còn nhiều khó khăn... không còn dư địa. Hiện, Chính phủ đang xem xét kiến nghị Quốc hội cho sử dụng quỹ dự phòng để xử lý trong một số trường hợp cấp bách của địa phương; còn lại một số phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Thực tế cho thấy, phân bổ vốn đầu tư không thể như phân chia miếng bánh. Trong bối cảnh thu ngân sách đang trong tình trạng khó khăn, thu nội địa 2 năm qua có xu hướng không đạt dự toán, có một thực tế là nợ phải trả tiền lãi vay và nợ gốc đến hạn đang cao dần. Trong khi đó, vẫn còn nhiều dự án chưa có tính cấp thiết, hay giá trị sử dụng không cao như tượng đài, quảng trường vẫn đang được xây dựng. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư theo nguyên tắc bình quân chủ nghĩa mỗi địa phương, bộ ngành, theo cách ăn đồng, chia đủ như kiểu phân chia một miếng bánh và chưa dựa vào hiệu quả tổng thể. Tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, kém hiệu quả vẫn còn phổ biến.Câu chuyện xây dựng Nhà hát Nhạc Giao hưởng và Vũ kịch ở Thủ Thiêm và những vấn đề chất lượng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hiện nay là những bài học rất rõ ràng về kỷ luật quản lý đầu tư công. Chưa hết, vẫn còn tình trạng giao vốn chậm, chậm giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính chậm chạp, hàng loạt dự án đội vốn, dự án chậm tiến độ kéo theo phải trả lại vay … vẫn diễn ra phổ biến. Bao nhiêu năm nay, tình trạng thâm hụt, lãng phí ngân sách vẫn lặp đi lặp lại. Lần này, các đại biểu Quốc hội đòi hỏi phải thực hiện nghiêm kỷ luật đầu tư công, ngân sách. Dứt khoát không nới trần đầu tư công. Một trong những giải pháp khả thi và cấp bách nhất hiện nay là bằng mọi cách phải phát huy tốt hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, xóa bỏ nạn đầu tư dàn trải, kéo dài - điều đó đồng nghĩa với việc phải tập trung vốn cho những dự án có hiệu quả cao và khả năng hoàn thành sớm. Nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền ở T.Ư là phải đánh giá, thẩm định và sắp xếp thứ tự ưu tiên theo tính cấp bách và hiệu quả để tập trung nguồn lực đầu tư. Lãng phí đầu tư công là "căn bệnh" trầm kha của nền kinh tế. Vì thế, nếu hạn chế được vấn đề lãng phí, sức mạnh nền kinh tế sẽ tăng lên không chỉ về tiền mà còn tăng tính minh bạch, cạnh tranh. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải thực chất hơn, phải đúng nghĩa thắt lưng buộc bụng, tránh hình thức và phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm. Các quyết định cũng được công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm của các cơ quan tổ chức liên quan các khâu, đoạn phân bổ vốn, đặc biệt là người đứng đầu của các dự án.