Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch để dân giám sát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai - sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô". Thực hiện lời dạy đó, thời gian qua, Hà Nội cũng như nhiều địa phương đã đẩy mạnh công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, xác định đây là một giải pháp trọng tâm để chống tiêu cực.

 Người dân tra cứu thông tin tại bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải
Tạo điều kiện cho người dân giám sát
Theo các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, khi nói về công tác phòng chống tiêu cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng chính là sự giám sát chặt chẽ của quần chúng Nhân dân thông qua các hình thức khác nhau, đó là cơ chế ngăn ngừa tham ô, lãng phí hữu hiệu. Đồng thời, các phản ánh, kiến nghị kịp thời của Nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, TP đã kiểm tra gần 500 đơn vị về việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.
Tại Hà Nội, TP đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc công khai minh bạch những thông tin người dân cần biết và được biết theo đúng quy định, bằng nhiều hình thức; đặc biệt lưu ý cập nhật, hướng dẫn rõ ràng toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách... Qua đó, từ các quy trình, thủ tục giải quyết công việc, đến việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ dự toán, phân cấp nguồn thu, công khai các chế độ, định mức... đều được công khai để người dân tiếp cận. TP cũng tăng công khai, minh bạch trong quy hoạch, sử dụng đất đai, thông tin đấu giá quyền sử dụng đất; công khai các dự án thu hồi đất do vi phạm các quy định của pháp luật… Từ đó đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, DN nắm bắt thông tin về hoạt động của các cơ quan Nhà nước và giám sát việc thực hiện, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Không chỉ ở cấp TP, để đẩy mạnh phòng ngừa tham nhũng, quận Tây Hồ đã tăng cường công khai, minh bạch các cơ chế, chính sách, chế độ; công khai công tác cán bộ, nhất là trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng. Đồng thời, mọi hoạt động quản lý hành chính, nhất là trong công tác thực hiện đầu tư; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cũng được công khai, cùng với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành đã tạo điều kiện cho người dân giám sát, phòng ngừa các vi phạm. Quận cũng tiến hành các đoàn kiểm tra đột xuất về công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng…, kịp thời phát hiện một số sai phạm, sơ hở trong quản lý để chấn chỉnh ngay.
Hay tại huyện Đông Anh, việc công khai, minh bạch các nội dung có nhiều khả năng xảy ra tham nhũng như chủ trương đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư tại cộng đồng đã được tăng cường thực hiện. Người đứng đầu cấp ủy cũng thường xuyên đối thoại, tiếp công dân, chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của người dân.
Thúc đẩy thực thi chính sách
Để góp phần thúc đẩy công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, Ban Nội chính Thành ủy Hà Nội còn xây dựng chuyên đề “Công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, DN trong giải quyết công việc trên địa bàn TP Hà Nội”. Trong đó, nêu rõ thực trạng trong từng lĩnh vực như giải quyết thủ tục hành chính, quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý đất đai, thuế, hải quan... Đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể như tăng cường công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác cán bộ và xây dựng cơ chế giám sát, phòng ngừa của các cơ quan chức năng, MTTQ, các cơ quan báo chí.
Hà Nội cũng triển khai nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác kê khai tài sản, thu nhập cá nhân; rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chế độ chính sách, tiêu chuẩn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Thực hiện phân cấp gắn liền phân quyền và tăng cường trách nhiệm cá nhân; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 trở lên, việc công khai minh bạch ngày càng phát huy hiệu quả. Đặc biệt, tại những nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân, DN, TP đã chỉ đạo phải có giám sát bằng công nghệ hiện đại như lắp đặt camera, đặt hòm thư góp ý, lịch tiếp công dân, thông tin công khai đường dây nóng, số điện thoại lãnh đạo cơ quan… để tăng tính minh bạch, giúp công tác kiểm tra, giám sát đạt hiệu quả cao hơn như lời Bác dạy.