Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch để tạo niềm tin trên thị trường bất động sản

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 19/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản (BĐS) và xử lý nợ xấu. Những giải pháp mà Hà Nội đề xuất, kiến nghị đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao từ Thủ tướng, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành.

Minh bạch để tạo niềm tin trên thị trường bất động sản - Ảnh 1
Một góc Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.Ảnh: Huy Hùng  
 
 
Nút thắt của thị trường: Thiếu niềm tin

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, theo kế hoạch năm 2013, sẽ dành 100.000 - 150.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu có tài sản thế chấp bằng BĐS. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có chính sách để đưa lãi suất cho vay đối với người mua nhà về mức hợp lý với thời hạn vay dài 10 năm. Đây là hai giải pháp được kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS hoạt động tích cực hơn. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là giải pháp trước mắt, cần có những giải pháp lâu dài để giải quyết một cách triệt để các khó khăn.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, tổng số căn hộ chung cư tồn kho là 5.789 căn, tương ứng 566.510m2 sàn. Cùng với việc đề xuất 4 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, xử lý vấn đề nợ xấu, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã kiến nghị Chính phủ: 

- Ban hành Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và ổn định thị trường BĐS, làm cơ sở để các bộ, ngành T.Ư, các địa phương thực hiện.

- Phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu, ban hành cơ chế chính sách mở rộng tín dụng cá nhân để kích cầu mua nhà ở.

- Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang tái định cư, nhà ở cho thuê, thuê mua, trả chậm, nhà công vụ. 

- Xem xét phê duyệt Đề án về một số cơ chế, chính sách nhà ở cho đối tượng hưởng lương trên địa bàn TP.

- Sớm sửa đổi Nghị định 121/2010/NĐ - CP ngày 30/12/2010 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 142/2005/NĐ - CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Trong đó, giải pháp quan trọng là đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước nói chung về thị trường BĐS, quy hoạch, cấp phép, quy định về năng lực đối với các doanh nghiệp được tham gia vào thị trường BĐS... Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, cần chứng minh được giá BĐS đã về ở mức hợp lý, không thể thấp hơn được nữa, như vậy người dân sẽ mua nhà. Với lượng hàng tồn kho hiện nay, người dân có mua nhà thì ngân hàng mới cho vay được, mà điều kiện để người dân mua nhà chính là giá bán và lãi suất, thời hạn vay vốn hợp lý.
 
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Vương Đình Huệ đánh giá, hai nút thắt chính của thị trường BĐS hiện nay là vốn tín dụng và khủng hoảng niềm tin. Vấn đề đầu tiên cần tháo gỡ đó là tâm lý, nếu không tạo ra niềm tin thì người mua nhà tiếp tục chờ đợi. Để tạo ra được niềm tin, ông Huệ cho rằng: "Doanh nghiệp và Hiệp hội BĐS có trách nhiệm công bố công khai, chính thức thông tin về các dự án. TP cần yêu cầu doanh nghiệp phải có thông báo chính thức về chính sách bán hàng, giá bán, chất lượng sản phẩm...". 

Khó khăn hiện nay cũng chính là cơ hội để cơ cấu lại thị trường, đưa thị trường phát triển theo hướng bền vững trong tương lai; là cơ hội để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nhà tái định cư, nhà cho cán bộ, công nhân viên chức. Bộ trưởng Vương Đình Huệ đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo việc thống kê chính xác, toàn diện về thị trường BĐS bởi với các con số đã được công bố thì tình hình có vẻ không đáng lo, song, theo ông Huệ con số thực tế sẽ khác, bởi tồn kho BĐS có rất nhiều dạng.

Kích cầu bằng nhà ở xã hội

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong năm 2012 - một năm cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp. Chính sách nhà ở của TP cũng đã đạt được nhiều kết quả tốt. Về tình trạng hàng tồn đọng, nợ xấu BĐS, Thủ tướng đã chỉ ra rằng, bên cạnh những nguyên nhân khách quan phải nói đến nguyên nhân từ công tác quản lý còn yếu kém, đặc biệt là về quy hoạch. 

Dân còn nghèo mà quy hoạch dự án toàn nhà to, nhà sang, nên thừa nhà to nhà sang nhưng lại thiếu nhà nhỏ, vừa sức mua. 

Thủ tướng lưu ý: "Phải tăng cường quản lý Nhà nước, rà soát lại quy hoạch theo hướng có cơ cấu hợp lý, quan tâm đến nhà ở xã hội, bớt nhà cao cấp. Cần làm rõ dự án nào dừng, dự án nào tiếp tục, dự án nào chuyển từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội". 

Thủ tướng yêu cầu, cả Chính phủ, TP Hà Nội, các địa phương cùng tập trung để ban hành chính sách đối với phát triển nhà ở xã hội, bao gồm cả chính sách cho nhà đầu tư và người được mua, thuê mua. Ngân hàng Nhà nước cần sớm tiến hành làm thí điểm với một vài địa phương trong việc đưa lãi suất cho người mua nhà vay xuống mức 4 - 5% khi lạm phát ở mức 5 - 6%. 

Đối với Hà Nội, Thủ tướng đề nghị, TP phải có chính sách cụ thể để người thu nhập thấp mua, thuê được nhà. Ngân hàng Nhà nước đề xuất chính sách cho vay kích cầu nhà ở xã hội, ngoài thuế cần có gói tín dụng khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng để làm ấm thị trường. Để giải quyết hàng tồn kho, cần có quỹ khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng để mua nhà thương mại làm nhà tái định cư theo giải pháp kiến nghị của TP Hà Nội. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, cần phải minh bạch thông tin để tạo niềm tin không chỉ trên thị trường BĐS mà trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng yêu cầu, các giải pháp cần được đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để triển khai ngay từ đầu năm 2013. Mục tiêu của năm 2013 là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát phải thấp hơn năm 2012, tăng trưởng phải cao hơn 2012, an sinh xã hội phải bảo đảm, trật tự xã hội phải giữ vững… Để bảo đảm mục tiêu trên, cái gốc của vấn đề là khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó, xử lý nợ xấu, hàng tồn kho BĐS là hết sức quan trọng.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, nhu cầu nhà tái định cư đến năm 2015 khoảng 25.000 căn hộ. Trong đó, năm 2013 cần 6.630 căn (mới lo được khoảng 3.500 căn). Từ nay đến năm 2015, TP hoàn thành 52 dự án với 14.310 căn hộ, như vậy còn thiếu 11.000 căn hộ tái định cư. Về nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách, có 99 đơn vị, với 188.349 người đăng ký có nhu cầu về nhà ở. Trong đó, có 20 đơn vị của T.Ư với 151.595 người đăng ký và 79 đơn vị cơ quan thuộc TP Hà Nội với 36.754 người đăng ký. Trong đó có 114.432 trường hợp đề nghị được mua nhà, còn lại đề nghị được thuê, thuê mua nhà.