Một Việt Nam hiện đại, xinh đẹp hiện lên trong phim đúng như những gì các nhà làm phim nói tới trong cuộc gặp gỡ các nhà làm phim Việt Nam gần đây.
Góc nhìn mới về Việt Nam“Thị Mai” xoay quanh ba người phụ nữ trung niên chưa từng có cơ hội ra nước ngoài. Hoàn cảnh xô đẩy dẫn họ tới đất nước xa lạ chưa từng nghĩ tới để nhận nuôi một đứa bé. “Trở lại Tây Ban Nha sau khi làm phim ở Việt Nam, nhiều bạn bè làm trong ngành điện ảnh của tôi hỏi về kinh nghiệm làm phim ở đây. Lúc ấy tôi mới nhận ra rằng tôi là đạo diễn Tây Ban Nha đầu tiên làm phim ở Việt Nam” – bà Patricia Ferreira, nữ đạo diễn phim “Thị Mai” chia sẻ. Bà Mencía Manso de Zúniga - Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội nói rằng, “Thị Mai” hoàn toàn khác biệt với những bộ phim khác về Việt Nam. Nó cho thấy cái nhìn hiện đại về một Việt Nam mới, xinh đẹp và thân thiện.
|
Phim Tây Ban Nha “Thị Mai”- thêm một cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam mới, thân thiện. |
Trong phim, các nhân vật chính có dịp đạp xe đạp quanh phố phường Hà Nội, bị lạc đường khi tìm đến chợ Đồng Xuân và có trải nghiệm thú vị với những phụ nữ nông dân trên cánh đồng vàng ruộm. Khung cảnh Hạ Long thơ mộng cũng được lồng ghép khéo léo trong câu chuyện của nhân vật. Tình tiết nhẹ nhàng, hài hước xen lẫn những khoảnh khắc lắng đọng. “Tôi nghĩ những nhà làm phim phải yêu Việt Nam lắm mới làm được một bộ phim như thế” – Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTT&DL) Ngô Phương Lan bày tỏ.
“Thời điểm đầu tiên đến Hà Nội với chúng tôi là một thách thức lớn do không hiểu ngôn ngữ, văn hóa. Rất may chúng tôi đã tìm được một ê kíp có nhiều kinh nghiệm, tuy họ còn trẻ nhưng tôi rất bất ngờ về tình yêu và đam mê nghề nghiệp” - đạo diễn Patricia Ferreira chia sẻ về quá trình làm phim. Khi viết kịch bản, các nhà làm phim từng có ý định làm phim tại Trung Quốc, nhưng sau đó lại quyết định tới Việt Nam theo lời giới thiệu khá hấp dẫn từ một người bạn của đạo diễn Patricia về con người và cảnh đẹp của mảnh đất hình chữ S sau khi đi du lịch ở đây.
Cần cởi mở hơn từ phía Việt Nam“Thị Mai” không phải phim đầu tiên của châu Âu quay ở Việt Nam, nhưng là bộ phim đánh dấu sự chuyển biến quan trọng: Việt Nam hiện lên trong phim hiện đại, xinh đẹp và là điểm đến hấp dẫn của du khách. Nhà sản xuất Larry Levene nêu quan điểm cần một câu chuyện tương đồng giữa các quốc gia khi muốn khởi động dự án hợp tác làm phim. “Thị Mai” chọn được câu chuyện như thế, ở đó khán giả thấy sự gần gũi qua tình mẫu tử trong phim.
Nhấn mạnh cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước qua phim hợp tác quốc tế, nhà sản xuất Larry gợi ý cần tìm hiểu họ có đội ngũ kỹ thuật viên lành nghề, có nhiều địa điểm quay đẹp hay không. Ông cũng góp ý một số kinh nghiệm của Tây Ban Nha khi thu hút các nhà làm phim quốc tế: Tây Ban Nha là điểm đến của nhiều phim bom tấn Mỹ và các nền điện ảnh lớn, cho nên tạo cơ hội việc làm, thu hút đầu tư, cơ hội cho các ngành dịch vụ như khách sạn, dịch vụ ăn uống… và giá trị về thuế. Tây Ban Nha và một số nước châu Âu có chính sách hoàn thuế hấp dẫn, từ 20 - 40%. “Ở góc độ một nhà sản xuất, tôi thấy để tạo cơ hội hợp tác làm phim cần thay đổi thủ tục hành chính, pháp lý” - ông Larry nói.
Việt Nam chưa có cơ chế hoàn thuế cho các nhà làm phim quốc tế đến quay phim. Các nhà quản lý điện ảnh Việt đã bày tỏ quan điểm sẽ tiếp tục kiến nghị về việc cởi mở chính sách để thu hút hợp tác điện ảnh quốc tế.