Mô hình điểm trạm y tế xã, phường tại Hà Nội: Lợi ích kép

Hải Lý - Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong 8 tỉnh, TP được chọn thực hiện đề án phát triển mạng lưới y tế cơ sở, thực hiện mô hình điểm trạm y tế (TYT) xã, phường, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai 4 mô hình TYT điểm theo nguyên lý y học gia đình. Tuy còn những khó khăn nhất định, nhưng bước đầu, mô hình này đã nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ngay từ tuyến cơ sở.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi bệnh nhân đến khám bệnh tại TYT xã Tân Hội sáng ngày 4/4. Ảnh: Ngọc Tú
Người dân tin tưởng
Trước những khoảng trắng về quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng, Bộ Y tế đã phê duyệt danh sách các xã, phường, thị trấn tham gia thực hiện mô hình điểm TYT với 26 TYT trên toàn quốc. Tại Hà Nội, 4 TYT được chọn thí điểm gồm: TYT xã Minh Châu (Ba Vì), xã Tân Hội (Đan Phượng), phường Tây Mỗ (Bắc Từ Liêm) và phường Yên Nghĩa (Hà Đông).

Có mặt tại TYT phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), chúng tôi chứng kiến khá nhiều người dân đến khám chữa bệnh (KCB) và đưa con đi tiêm chủng. Chị Nguyễn Thúy Ngà (nhà ở gần TYT) cho biết, từ khi biết TYT này trở thành mô hình điểm, chị thường xuyên cho con đến tiêm chủng và cảm nhận những đổi thay so với trước. “Nhân viên y tế ở đây vô cùng niềm nở, đến lịch tiêm của con, cán bộ phụ trách tiêm chủng đều nhắn tin nhắc nhở đưa con đi tiêm phòng và hẹn giờ tiêm để người dân đến không phải chờ đợi. Mặc dù TYT thực hiện tiêm phòng miễn phí nhưng chất lượng phục vụ y như tiêm dịch vụ” – chị Ngà nói.
Sáng 4/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến kiểm tra việc triển khai mô hình TYT điểm tại TYT xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội). Bộ trưởng yêu cầu TYT xã Tân Hội khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình TYT điểm. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông trong việc chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị Sở Y tế và địa phương bổ sung máy móc, trang thiết bị, mẫu thử xét nghiệm cho TYT. Bổ sung các dịch vụ khám sàng lọc bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư cổ tử cung và hoàn thiện đội ngũ nhân lực để phục vụ tốt nhất cho người dân đến KCB.

Còn tại TYT xã Tân Hội (huyện Đan Phượng) từ khi triển khai mô hình điểm đến nay, số lượng bệnh nhân đến khám tăng gấp đôi. Bà Nguyễn Thị Loan (59 tuổi, xã Tân Hội) cho biết, bà cũng như nhiều người dân ở đây, thường có tâm lý không muốn khám tại TYT vì lo ngại chất lượng KCB không đảm bảo. Tuy nhiên, khi thấy TYT được nâng cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt có các bác sĩ tuyến T.Ư về hỗ trợ, bà Loan rất hài lòng và tin tưởng. Còn ông Nguyễn Văn Bình (76 tuổi, xã Tân Hội) được chẩn đoán viêm dạ dày cho biết: “Cả nhà tôi đều KCB tại đây, trừ trường hợp bị bệnh hiểm nghèo mới lên BV tuyến trên để khám. Chúng tôi chỉ muốn khám bệnh ở gần nhà, đỡ vất vả, tốn kém”.

Trạm trưởng Trạm Y tế Tân Hội (Đan Phượng) Trần Thị Mai Hương cho biết, trạm đã được biên chế đủ định biên với 11 cán bộ y tế, có đủ chức danh nghề nghiệp. Khối lượng công việc nhiều, hoạt động song song mô hình phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân, trạm đã làm tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, điểm khó khăn hiện nay là trạm chỉ có một bác sĩ được đi học mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Vì vậy, bà Mai Hương đề xuất cần tăng cường mở các lớp đào tạo ngắn hạn về y học gia đình cho cán bộ TYT và tăng cường đưa bác sĩ tuyến trên về cầm tay, chỉ việc.

Thu hút bác sĩ về tuyến dưới

Theo Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến T.Ư có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến KCB ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở TYT, tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn thích lên tuyến trên khám. Nguyên nhân một phần là do y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy ông Khuê cho rằng, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình là rất cần thiết với 6 nguyên tắc: Liên tục – toàn diện – lồng ghép – phối hợp – dự phòng – gia đình – cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng KCB cho người dân một cách hiệu quả.

Để nâng cao chất lượng KCB tuyến cơ sở, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã tổ chức tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ TYT; phối hợp với các BV tuyến trên như BV E, Châm cứu T.Ư, Nội tiết T.Ư, Thanh Nhàn, Tim Hà Nội hỗ trợ các TYT. Ông Hiền cũng khẳng định, cùng với việc thu hút bác sĩ về công tác tại TYT, ngành y tế Hà Nội tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi để bác sĩ yên tâm công tác, gắn bó và đóng góp nhiều hơn nữa cho y tế cơ sở.

Thực tế cho thấy, số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại 4 TYT điểm nhiều hơn. Số bệnh nhân nâng lên khoảng 40 - 50% so với trước khi triển khai thực hiện. Giám đốc Sở Y tế cũng hi vọng, trong thời gian tới, sẽ thu hút ngày càng nhiều người dân đến KCB tại tuyến cơ sở, giải bài toán quá tải cho tuyến trên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần