Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, công tác kiểm dịch được siết chặt để bảo đảm dịch bệnh được kiểm soát, không lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, cách làm không thống nhất giữa các địa phương, đặc biệt là quy định về xét nghiệm Covid-19 vô tình trở thành rào cản quá lớn cho đội ngũ lái xe - những người giữ vai trò tiên quyết trong hành trình lưu thông hàng hóa, nhu yếu phẩm đến các tỉnh phía Nam, nhất là những địa phương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình hình đó, Bộ GTVT chủ trì thực hiện các cuộc họp trực tuyến thường nhật với những tỉnh, TP phía Nam nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ. Và “luồng xanh” chính là giải pháp được chọn. Liền sau đó, “luồng xanh” vận tải để ưu tiên phục vụ xe chở hàng hóa, công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24 giờ tại địa phương thực hiện áp dụng Chỉ thị 16. Các đơn vị vận tải có sau khi được cấp thẻ nhận diện phương tiện để được ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh", thực hiện in giấy nhận diện phương tiện kèm theo mã QR lên giấy khổ A5 để dán trên kính phía trước và in lên giấy khổ A4 để dán thêm lên kính hai bên cửa xe nhằm thuận lợi cho việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, tránh việc xảy ra ùn tắc. Hầu hết các chuyên gia đều đánh giá, “luồng xanh” là giải pháp đúng đắn và phù hợp nhằm giải quyết những bất cập mà vận tải hàng hóa tại các tỉnh phía Nam đang mắc phải.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã xây dựng, đưa vào vận hành phần mềm quản lý, cấp giấy thông hành cho phương tiện lưu thông trên các “luồng xanh” liên tỉnh, liên vùng và toàn quốc. Qua phần mềm này, chủ phương tiện sẽ được cấp giấy thông hành thống nhất để dùng đi lại trên toàn quốc, mọi thủ tục được giải quyết trực tuyến. Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các dịch vụ được thực hiện theo mô hình cổng thông tin điện tử một cửa, nhận và trả kết quả trực tuyến. Chủ phương tiện có nhu cầu đăng ký phương tiện, hành trình vận chuyển qua hệ thống; cơ quan quản lý kiểm tra, cấp giấy nhận diện phương tiện có mã QR dưới dạng điện tử, chủ xe tự in và dán lên kính lái. Lực lượng chức năng tại các chốt kiểm dịch sử dụng điện thoại quét mã QR trên giấy nhận diện để kiểm tra thông tin và ưu tiên cho xe thông qua nhanh nhất. Với phần mềm quản lý này, “luồng xanh” sẽ được vận hành một cách trơn tru và thuận lợi nhất. Điều này có thể thấy rõ khi sau ít ngày triển khai, vận tải hàng hóa ở hầu hết các tỉnh phía Nam đã thuận lợi thấy rõ.
Cần "đánh thức" hệ thống hộp đenTrao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc khơi thông luồng vận tải hàng hóa bằng “luồng xanh” sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chi viện, hỗ trợ nhu yếu phẩm và những hàng hóa cần thiết cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vốn đang rất cần sự chung tay của người dân cả nước vào thời điểm quan trọng này.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, “luồng xanh” là giải pháp tốt trong bối cảnh hiện nay nhưng nếu có thể phát huy được hiệu quả của hệ thống thiết bị giám sát hành trình đã được lắp đặt trên hàng triệu xe kinh doanh thì việc vận hành sẽ càng hiệu quả hơn. “Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần tận dụng hệ thống giám sát hành trình để tạo thuận lợi cho xe chở hàng qua các điểm kiểm soát. Hiện nay, hầu hết xe kinh doanh đều đã lắp thiết bị giám sát hành trình rồi thì tại sao không sử dụng thiết bị này để tiết kiệm chi phí” – ông Nguyễn Văn Thanh nói. Chuyên gia này cũng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nếu “đánh thức” được hiệu quả của hệ thống giám sát hành trình rồi tích hợp thêm chức năng cấp giấy thông hành sẽ mang lại hiệu quả cao thay vì tốn thêm thời gian và tiền bạc để xây dựng một phần mềm mới.