Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng việc khoán xe công

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi triển khai thí điểm tại Bộ Tài chính và TP Hà Nội, dự kiến, thời gian tới, việc khoán xe công sẽ được mở rộng ra các bộ, ngành, địa phương và hàng loạt cơ quan Nhà nước.

Mạnh tay cắt giảm
Tại buổi họp báo ngày 8/3, đại diện Bộ Tài chính cho hay, hình thức khoán kinh phí sử dụng xe công được quy định từ năm 2007, tuy nhiên, đến nay hầu như chưa được thực hiện. Một vài trường hợp có áp dụng nhưng chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn.
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định thay thế Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg về quản lý, sử dụng xe công. Dự thảo này quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công, việc khoán kinh phí xe công từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại sẽ là bắt buộc với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến Thứ trưởng và tương đương, Chủ tịch HĐQT, HĐTV, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Việc khoán xe công sẽ góp phần giảm gánh nặng lên ngân sách Nhà nước.

Việc cắt giảm số lượng xe công cũng được Bộ Tài chính đề xuất khá mạnh tay. Cụ thể, có thể giảm định mức sử dụng xe của các cục, vụ thuộc các bộ  xuống còn 1 xe/1 đơn vị (đối với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên) và 2 đơn vị/1 xe (đối với đơn vị có biên chế dưới 50 người). Một phương án nữa là giảm định mức sử dụng xe của cục, vụ thuộc bộ xuống còn 2 đơn vị/1 xe (đối với đơn vị có biên chế từ 50 người trở lên) và 3 đơn vị/1 xe (đối với đơn vị có biên chế dưới 50 người).
Đối với cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc tổng cục, có thể giảm định mức sử dụng xe xuống 3 đơn vị/1 xe (đối với với đơn vị có biên chế dưới 50 người); hoặc giảm định mức sử dụng xe của vụ thuộc Tổng cục xuống còn 4 đơn vị/1 xe.
Mức khoán dự kiến 6,5 triệu đồng/tháng
Về nguyên tắc xác định mức khoán, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét 2 phương án. Phương án một, đưa chi phí sử dụng xe vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, giảm trên 20%. Phương án hai, mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác, bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định. Theo phương án này, đơn giá khoán thực hiện theo 2 phương án sau. Thứ nhất, đơn giá khoán là 16.000 đồng/km; được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%. Thứ hai, quy định nguyên tắc xác định đơn giá khoán trên cơ sở đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện công cộng tương đương trên thị trường tại địa phương. Việc xác định đơn giá khoán cụ thể do bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương quyết định.
Trước đó, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 2/11/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện chính sách về tiêu chuẩn, định mức xe ô tô công theo hướng “phấn đấu đến năm 2020 giảm từ 30% - 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung...”.
Xử lý xe dôi dư ra sao?
Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, số lượng ô tô công còn lại là 34.214 chiếc, trong đó, xe phục vụ các chức danh là 864 chiếc, công tác chung là 17.047 chiếc. Số xe công đã thực hiện thanh lý là 1.105 xe. Trong đó, đã báo cáo số tiền thu được của 761 xe với tổng 35,15 tỷ đồng, bình quân mỗi xe là 46,2 triệu đồng. Ngoài ra, còn 2.000 chiếc xe công được xác định dư thừa và phải thanh lý, nhưng các bộ, ngành, địa phương chưa báo cáo hết việc này về Bộ Tài chính.
Liên quan đến việc xử lý hơn 2.000 chiếc xe dôi dư còn lại, ông Thắng cho biết, Bộ Tài chính đưa ra 3 hướng xử lý trình lên Chính phủ. Thứ nhất, bán chỉ định cho chức danh đang được trang bị xe (nếu có đề xuất); Thứ hai là điều chuyển cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn thiếu xe so với tiêu chuẩn, định mức; Thứ ba là bán đấu giá nộp tiền vào ngân sách. Sau khi nhận khoán lãnh đạo được mua lại xe đã dùng.
Về việc bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở T.Ư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, tập đoàn có trách nhiệm bố trí, xếp đội ngũ lái xe khi xử lý xe dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động.
Sau hơn một tuần thực hiện khoán xe công, đến nay, Sở Tài chính Hà Nội chưa nhận được phản ánh nào về các khó khăn, vướng mắc trong công tác này. 8 đơn vị thí điểm đều thực hiện nghiêm túc. Hiện, Sở Tài chính đang đôn đốc các thủ tục để thực hiện điều chuyển và thanh lý trên 50 xe công.
Trưởng phòng Quản lý công sản, Sở Tài chính Hà Nội  Mai Xuân Vinh