Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi Đại sứ là một nhà bán hàng Việt

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ là những Đại sứ về chính trị, văn hóa, các Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài còn là các vị Đại sứ về kinh tế, “nhà bán hàng” giúp đưa hàng Việt, thương hiệu Việt ra nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư về nước.

Nhiều đơn “đặt hàng” trực tiếp từ doanh nghiệp

Đã trở thành hoạt động thường niên, cuộc gặp giữa DN và các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mới được bổ nhiệm trước khi lên đường làm nhiệm vụ tại các nước do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam tổ chức luôn “nóng” với rất nhiều đơn “đặt hàng” trực tiếp từ các DN trong nước với các vị Đại sứ, Tổng lãnh sự.

Đóng gói hàng thủy sản xuất khẩu tại khu công nghiệp Bình Dương. Ảnh: Việt Hùng

Theo ghi nhận của các DN tại cuộc gặp với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhiệm kỳ 2017 - 2020, trong thời gian qua, các cơ quan đại diện đã cung cấp nhiều thông tin pháp chế hữu ích giúp các DN mở rộng kinh doanh làm ăn với nước ngoài. “Tuy nhiên, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa vẫn luôn cần hơn nữa thông tin thị trường. Rất mong các cơ quan ngoại giao cung cấp các thông tin chính xác về diện tích, năng suất, khả năng mùa vụ các nước để thông báo cho các DN trong nước thông qua VCCI và các hiệp hội để tránh việc các nước bạn đưa thông tin sai lệch về thị trường làm ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN trong nước” - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội Mạc Quốc Anh kiến nghị.

Riêng với những DN đang làm ăn tại các thị trường nhiều rủi ro như Trung Đông, ông La Mạnh Tiến - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam cho rằng, sự hỗ trợ giúp thẩm định đối tác về khả năng thanh toán, thu hồi công nợ… là rất cần thiết. Hiện, chè của Việt Nam hơn 90% là xuất khẩu, trong đó thị trường các quốc gia khu vực Trung Đông rất tiềm năng, nhưng DN làm việc tại các thị trường này hiện rất “cô đơn”, chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan ngoại giao Việt Nam.

Cũng liên quan tới việc mở rộng thị trường, đại diện Công ty CP Sao Thái Dương đặt vấn đề: “Hiện, DN đang chuẩn bị cho ra mắt dòng mỹ phẩm tiêu dùng organic (hữu cơ), vì thế rất mong các vị Đại sứ, Tham tán thương mại giới thiệu giúp Thái Dương các kênh phân phối dòng mỹ phẩm này tại nước ngoài”. Trong khi đó, tại cuộc gặp, một số DN “đặt hàng” các trưởng đại diện về việc xúc tiến thương mại cho một số mặt hàng giàu tiềm năng như phần mềm, cơ khí tự động hóa…

Cần nỗ lực từ cả hai phía

Lắng nghe các góp ý, kiến nghị của DN, ông Trần Ngọc An – Đại sứ Việt Nam tại Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len kiêm nhiệm Cộng hòa Ai-len khẳng định, ngay khi sang nước sở tại sẽ dành nhiều thời gian cho nhiệm vụ ngoại giao kết nối kinh tế. “Chúng tôi xác định Đại sứ là nhà bán hàng, giúp DN Việt thâm nhập thị trường sở tại. Riêng tôi sẽ rất lưu tâm thúc đẩy xuất khẩu phần mềm cho các DN, tìm hướng phân phối cho các sản phẩm của Thái Dương hay chè Việt Nam” – ông An nói.

Một mặt các Đại sứ cần năng động, tích cực hỗ trợ các DN hơn nữa, tránh tình trạng “khi DN cần gọi điện thoại tới Đại sứ quán thì không có ai nhấc máy trả lời” như phản ánh của bà Bùi Ngọc - Giám đốc một công ty nhập khẩu dầu ô liu khi lần đầu gọi điện xin tư vấn của Đại sứ quán Việt Nam tại Australia. Nhưng mặt khác, các DN cũng cần nỗ lực hơn nữa trong xúc tiến thương mại, đầu tư tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình qua website, tài liệu, đảm bảo chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để hàng Việt dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính. Vì theo ông Nguyễn Hải Bằng - Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, việc mở rộng thị trường phụ thuộc nhiều vào nội lực của DN. Ông Bằng kể lại câu chuyện khi tổ chức kết nối DN Việt - Nhật, DN Nhật yêu cầu cung cấp hồ sơ thông tin về DN Việt Nam nhưng hầu hết các DN không có sẵn bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật.

Bên cạnh đó, các Đại sứ cũng khuyến nghị DN khi làm việc với các đối tác nước ngoài, nhất là tại các thị trường mới cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ hợp đồng, đặc biệt phải am hiểu ngôn ngữ, pháp luật tại thị trường đó để tránh những rủi ro, phiền phức khi thanh toán.

Ngay sau buổi gặp gỡ, các cơ quan đại diện sẽ có buổi làm việc với VCCI để tìm ra phương án thành lập một quỹ hỗ trợ các chương trình xúc tiến thương mại. Nguồn quỹ sẽ được huy động từ DN, các tổ chức bên ngoài, quỹ sẽ được công bố công khai, minh bạch và sử dụng đúng mục đích.