Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Môi trường đầu tư kinh doanh: Cải cách liên tục và toàn diện

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản 493/TTg-KSTT, yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.

Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi được xem là “bệ đỡ” giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Từ đó tạo thêm việc làm, đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cải cách, nâng cao lực cạnh tranh “chìa khóa” cho sự phát triển

Tính đến tháng 5/2023, tổng số thủ tục hành chính của cả nước là 6.422, giảm 376 thủ tục hành chính so với cùng kỳ năm 2020.

Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh hoạ
Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Ảnh minh hoạ

Kết quả này được đánh giá đạt được từ nỗ chuyển đổi số quốc gia để cắt giảm các quy định thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp, qua đó từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.

Cơ quan nghiên cứu và phân tích EIU thuộc tập đoàn tư vấn Economist Group (Anh) vừa công bố bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu quý II/2023 cũng ghi nhận Việt Nam có mức thăng hạng nhiều nhất trong số các nền kinh tế được xếp hạng.

Theo đó, những quốc gia cải thiện nhiều nhất trong xếp hạng của EIU năm qua là Việt Nam, Thái Lan, Bỉ, Thụy Ðiển, Ấn Ðộ và Costa Rica. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là có động lực lớn nhất, tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng, trong khi Thái Lan tăng 10 bậc và Ấn Ðộ tăng 6 bậc.

 

Trong khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, khi được hỏi "Việt Nam nên làm thế nào để nào để cải thiện việc thu hút đầu tư" thì nhu cầu cải thiện thủ tục hành chính đứng đầu với 70% câu trả lời, đứng trên cả cơ sở hạ tầng hay ưu đãi về thuế.

GS, TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cũng được kì vọng sẽ tạo điều kiện thu hút thêm nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI ngày càng khốc liệt. Đặc biệt khi tuân thủ quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu ưu đãi về thuế giảm thì lợi thế cạnh tranh tốt nhất chính là tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, không gặp trở ngại về pháp lý và xem đây là công cụ chính trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Quyết liệt hơn nữa cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh

Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 xác định, “phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu thế giới….; hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”.

Tuy nhiên, theo ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội và phản ánh người dân, doanh nghiệp, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực vẫn còn là rào cản đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Các thủ tục hành chính nội bộ chưa được quan tâm rà soát, cắt giảm; việc giải quyết thủ tục hành chính còn qua nhiều tầng nấc trung gian, gây chậm trễ, ách tắc trong thực hiện; công tác công khai, minh bạch thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến chất lượng còn hạn chế; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính một số nơi chưa nghiêm, có hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, đặt thêm thủ tục ngoài quy định làm tăng thời gian, chi phí xã hội, giảm hiệu lực quản lý.

Việc chậm, nợ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã phần nào trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến thực thi chính sách của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp. Do đó, cần sớm có quy định trách nhiệm pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao nếu xảy ra tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) trong kiến nghị Thủ tướng cho rằng: Một trong số các giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp đang hết sức khó khăn là cần nghiên cứu đẩy mạnh các quy trình công bố, công khai chính sách, thủ tục hành chính đảm bảo sự minh bạch và thống nhất trên toàn quốc; đồng thời, tuân thủ các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính…

Tại văn bản 493/TTg-KSTT, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các địa phương tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định, đơn giản hóa tối thiểu 20% thủ tục nội bộ và cắt giảm ít nhất 20% chi phí theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Nghiên cứu đề xuất cắt giảm ngay các thủ tục, các bước trung gian không cần thiết; các điều kiện kinh doanh chồng chéo, không định lượng được để minh bạch trong đánh giá, kiểm tra, thẩm định, xét duyệt; kiên quyết chỉ ban hành thủ tục hành chính mới trong trường hợp thật sự cần thiết để quản lý, điều chỉnh quan hệ xã hội mới phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện thống kê, rà soát, ban hành các quy định pháp luật kịp thời, đầy đủ, tránh tình trạng nợ đọng, chậm văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

 

Cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính. Dù vậy quan trọng vẫn là con người, và vai trò, tầm quan trọng của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo... Nhà nước thay đổi vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế. Nhà nước phải cắt giảm chức năng và phải chuyển từ vai trò chỉ huy, kiểm soát và quản lý là chủ yếu sang kiến tạo phát triển và phục vụ người dân và doanh nghiệp là chủ yếu. Tiếp tục mở rộng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh bằng cách tháo bỏ các rào cản, nhất là rào cản pháp lý đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bảo đảm an toàn trong đầu tư, kinh doanh của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp… (TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM)