Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: Gợi nhớ “Những mùa Đông yêu dấu” trong lòng thế hệ cũ

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuổi thơ của mỗi người đều có những nét riêng biệt, nhưng đứa trẻ của thế hệ cũ - từ 6x đến đầu 8x - có lẽ không mấy ai là không có những kỷ niệm của cánh diều, bờ đê, dòng sông, giếng làng, hay chợ phiên, tiếng ve râm ran, những khu vườn,…

Đó là những câu chuyện đã nuôi nấng tâm hồn ta lớn lên. Ký ức ấy đã được Trần Nguyên Hạnh gói gọn trong tập tản văn nhỏ “Những mùa Đông yêu dấu” bằng những trang viết giản dị mà tinh tế.

 

Trong mỗi trang viết của Trần Nguyên Hạnh không chỉ xôn xao miền thơ ấu, nó còn gợi lên những rung động âm vang của giai điệu. Đọc mỗi chuyện nhỏ của tác giả, tưởng như cô đang ngồi tâm tư dưới nền nhạc du dương. Đó là giai điệu của "Đêm thấy ta là thác đổ" trong “Màu hoa thương nhớ”, “Mùa thu giấu em” trong “Lời tự tình của mùa thu”, “Rồi như đá ngây ngô” hay “Những mùa Đông yêu dấu”…. Tất cả hòa quyện vào trong từng câu chữ, khi trầm khi bổng, cất lên lời yêu mến tha thiết.

Đoạn đường trở về thơ ấu của Trần Nguyên Hạnh cũng xuất hiện những hình bóng những người thân yêu nhất, đã nuôi nấng cho tâm hồn ta thêm giàu có. Đó là người ông với nụ cười hiền, thường kể chuyện dưới mái hiên nhà, là bà với những thức quà vặt ở chợ quê, là mẹ ấm áp và dịu êm. Tập tản văn nhỏ bé nhưng chứa đựng những ký ức rất đẹp đẽ. Khác với nhiều tập tản văn của các tác giả khác, Trần Nguyên Hạnh không viết về nỗi đau riêng, càng không viết về tình yêu lứa đôi. Cô chọn viết về thơ ấu, lại cẩn thận chắt lọc những điều nhỏ nhắn vui tươi để chia bày, có lẽ cũng là để tiếp thêm năng lượng cho biết bao đứa trẻ ngày ấy đã trưởng thành, đang mỏi mệt với đời sống. Trần Nguyên Hạnh viết chậm rãi, nhẩn nha, không vọng những xa xôi. Cô viết những điều gần gũi nhất, dễ cảm động nhất, có lẽ chỉ mong có được duyên lành gặp gỡ những tâm hồn đồng cảm với những điều mình viết.