Đài RT dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Vladivostok hôm 12/9 rằng, Moscow đã kiếm được gấp đôi số vàng và ngoại hối bị phương Tây đóng băng năm ngoái.
Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh đã đóng băng tài sản trị giá hàng trăm tỷ USD của Ngân hàng trung ương Nga (CBR) như một phần của lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine.
“Hiện dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đang bị phong tỏa, nhưng đồng thời, chúng tôi cũng đã kiếm được gấp đôi số tiền đó. Việc phương Tây đóng băng tài sản trị giá gần 300 tỷ USD của Nga hoàn toàn phản tác dụng khi biện pháp này đang làm suy yếu niềm tin vào những người đã làm điều đó” - Tổng thống Putin lập luận.
Nhiều nhà kinh tế, kể cả phương Tây, đã cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản của Nga sẽ gây nguy hiểm cho niềm tin của nhà đầu tư vào hệ thống ngân hàng EU và làm tổn hại đến vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của khối này.
Theo hãng tin Tass, gần 300 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga đã bị đóng băng kể từ khi xảy ra cuộc xung đột quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Theo báo cáo chính thức, dự trữ của CBR giảm 8,4% vào năm 2022.
Vào tháng 3 năm nay, CBR tiếp tục công bố dữ liệu về cơ cấu dự trữ nhà nước. Tính đến tháng 8/2023, quỹ vàng và ngoại hối của nước này đạt hơn 580 tỷ USD.
Trước đó, hồi cuối tháng 8 năm nay, Moscow tuyên bố sẵn sàng cho phép các nhà đầu tư EU sử dụng số tiền bị phong tỏa ở Nga để mua tài sản của Nga đang bị EU phong tỏa.
Theo đề xuất được CBR đưa ra ngày 23/8, Moscow sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư phương Tây mua tài sản các nhà đầu tư Nga bị phong tỏa ở châu Âu bằng cách sử dụng tiền của chính họ đang bị giữ trong các tài khoản hạn chế ở Nga và không thể chi tiêu ở nước ngoài.
Theo Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, đề xuất hoán đổi này nhằm mục đích giải phóng 1,1 tỷ USD - chủ yếu thuộc sở hữu của các nhà đầu tư bán lẻ - trong số gần 16 tỷ USD của 3,5 triệu người Nga đang bị phong tỏa tại EU.
Đề xuất của Moscow nhằm bù đắp cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Nga khi những khoản đầu tư của họ vào chứng khoán phương Tây bị đóng băng và mắc kẹt tại các tổ chức như Trung tâm thanh toán bù trừ Euroclear, có trụ sở tại Bỉ. Đồng thời, CBR cũng đề xuất cho phép một số công ty phương Tây lấy lại số tiền bị mắc kẹt từ Nga.
CBR cho biết, việc trao đổi tài sản sẽ là “tự nguyện”. Thông điệp này dường như loại trừ khả năng tịch thu tài sản của các nhà đầu tư phương Tây ở Nga để bồi thường cho các nhà đầu tư Nga.
Các quan chức phương Tây nói với Financial Times rằng họ không biết gì về đề xuất này và không có cuộc đàm phán nào diễn ra về thỏa thuận hoán đổi tài sản tiềm năng.
Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận tiềm năng nào cũng phức tạp do những khó khăn về mặt pháp lý và tuân thủ đối với các nhà đầu tư phương Tây trong việc xử lý tài sản của họ ở Nga.
Giới phân tích nhận định, các chính phủ phương Tây khó có thể đồng ý với bất kỳ thỏa thuận nào xem tài sản bị phong tỏa của Nga nhằm đáp trả cuộc chiến ở Ukraine ngang hàng với tài sản của phương Tây bị mắc kẹt ở Nga mà họ coi là bị tịch thu bất hợp pháp.
Theo chính phủ Bỉ, gần 200 tỷ euro tài sản của Nga đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến sự Ukraine tại Euroclear - cơ quan thanh toán lớn nhất thế giới. Trong đó, khoảng 180 tỷ euro là dự trữ của CBR.
Các quan chức phương Tây đang tìm cách thu lợi tức (chẳng hạn cổ tức) một cách hợp pháp từ những tài sản đó và cung cấp chúng dưới dạng hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Ủy ban châu Âu đang nỗ lực tìm ra giải pháp có tính pháp lý để sử dụng nguồn vốn cố định của Nga nhằm “tái thiết” Ukraina. Trong số các lựa chọn là sử dụng tiền lãi của số tiền này. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hồi tháng 6 tuyên bố, EU sẽ chuẩn bị một đề xuất pháp lý về việc chuyển giao tài sản của Nga.
Theo cảnh báo của giới chuyên gia, bất kỳ quyết định nào liên quan đến tịch thu tài sản của Nga bị phương Tây phong tỏa cũng có nguy cơ khiến Moscow đáp trả bằng cách tịch thu thêm các tài sản phương Tây bị mắc kẹt ở Nga.
Hồi đầu năm nay, Điện Kremlin đã quốc hữu hóa công ty con của 4 doanh nghiệp châu Âu tại Nga. Đó là 2 công ty năng lượng Đức Uniper và Fortum của Phần Lan, cùng với hãng sữa khổng lồ Pháp Danone và nhà sản xuất bia Carlsberg của Đan Mạch.