Moscow lên tiếng khi Ukraine hối thúc loại Nga khỏi Hội đồng Bảo an LHQ

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phó đại diện thường trực của phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky tuyên bố rằng việc loại trừ nước này khỏi Hội đồng Bảo an chỉ có thể xảy ra nếu LHQ bị giải tán.

- Phó đại diện thường trực của phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky. Ảnh: Tass
- Phó đại diện thường trực của phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Dmitry Polyansky. Ảnh: Tass

Bình luận của ông Dmitry Polyansky được đưa ra như lời đáp trả lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 28/6. Khi đó, Tổng thống Ukraine đòi tước bỏ tư cách thành viên thường trực của Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Ông Polyansky nhận định phát ngôn của nhà lãnh đạo Ukraine “không được xem xét kỹ lưỡng," theo hãng thống tấn Nga Tass ngày 2/7.

"Chắc chắn mọi người đều hiểu rằng kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu LHQ tan rã và thành lập một tổ chức mới," nhà ngoại giao Nga nói với đài Soloviev Live TV hôm 1/7.

Theo nhận định của ông Polyansky, nhiệm vụ của Kiev là "khấy động" các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, những quốc gia đang ngày càng mệt mỏi vì cuộc chiến ở Ukraine.

"Cả Tổng thống Zelensky và Đại sứ Ukraine tại LHQ đều lên tiếng nhưng không có tác dụng. Họ khẳng định hết lần này đến lần khác rằng Nga không có quyền ngồi ghế Hội đồng Bảo an và rằng chúng tôi có được vị trí này một cách bất hợp pháp sau khi Liên Xô tan rã. Điều đó hoàn toàn vô nghĩa và chúng tôi đã giải thích về nó, thậm chí chính các quan chức Liên Hợp Quốc cũng đã có những lời giải thích rõ ràng."

Trước đó, ông Polyansky cho biết việc Tổng thống Zelensky có bài phát biểu trực tuyến tại Hội đồng Bảo an LHQ hôm 28/6 mà chưa có sự tham vấn trước với các thành viên khác trong Hội đồng Bảo an đã vi phạm các quy định hiện tại.

Trong bài phát biểu trên, Tổng thống Ukraine đã hối thúc LHQ chỉ định Nga là “quốc gia tài trợ khủng bố” và loại Moscow khỏi Hội đồng Bảo an LHQ - tổ chức mà Nga là thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Ngoài những phát ngôn mạnh mẽ tại LHQ, Nga gần đây cũng đã có những quyết định cứng rắn để đáp trả lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin ngày 1/7 đã ký sắc lệnh chấm dứt sự tham gia của Nga vào một số thỏa thuận trong khuôn khổ Hội đồng châu Âu. Theo hãng tin Tass, thông tin trên được đưa ra trong một văn bản được đăng tải trên cổng thông tin lập pháp chính thức của Nga.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 16/3/2022, Nga sẽ rút khỏi Nhóm Hợp tác Quốc tế về Ma túy và tình trạng nghiện của Hội đồng châu Âu (Nhóm Pompidou), Thỏa thuận một phần năm 1990 của Hội đồng châu Âu về việc thành lập Ủy ban châu Âu về Dân chủ thông qua Luật pháp, Hiệp định mở một phần về hợp tác để ngăn ngừa, bảo vệ chống lại và tổ chức cứu trợ trong các thảm họa thiên nhiên và công nghệ lớn, Thỏa thuận mở rộng một phần về thể thao, Thỏa thuận mở rộng một phần về các tuyến đường văn hóa và giảng dạy lịch sử ở châu Âu.

Cùng với đó, Nga sẽ không còn tham gia vào công việc của quỹ hỗ trợ văn hóa của Hội đồng châu Âu (Eurimages) và Đài quan sát nghe nhìn châu Âu.

Theo truyền thông Nga, Nga gia nhập Hội đồng châu Âu cách đây 26 năm. Kể từ năm 1996, các đại biểu của Nga đã tham gia vào 5 hình thức hợp tác chính, bao gồm liên chính phủ (Ủy ban Bộ trưởng của Hội đồng châu Âu, CMCE), liên nghị viện (Hội đồng nghị viện của Hội đồng châu Âu, PACE), liên khu vực (Quốc hội địa phương và Chính quyền khu vực), tư pháp (Tòa án Nhân quyền châu Âu ECHR) và phi chính phủ (Hội nghị INGOs của Hội đồng châu Âu).

Cùng với đó, Nga cũng có đại diện trong Nhóm hợp tác quốc tế về ma túy và tình trạng nghiện của Hội đồng châu Âu (Nhóm Pompidou), Ủy ban Dân chủ châu Âu thông qua Luật pháp (Ủy ban Venice), Nhóm các quốc gia chống tham nhũng (GRECO), cũng như trong các ủy ban liên chính phủ và các cơ quan làm việc của Hội đồng châu Âu. Nó đã tham gia hàng chục hành động và thỏa thuận của Hội đồng châu Âu.

Vào ngày 15/3, Nga bắt đầu quá trình rút khỏi Hội đồng châu Âu. Vào ngày 11/6, đạo luật do Tổng thống Vladimir Putin ký ban hành đã được công bố về việc không thi hành bất kỳ nghị quyết nào ở Nga mà ECHR đã thông qua sau ngày 15/3/2022 - kể từ thời điểm Nga nộp tuyên bố rời khỏi Hội đồng châu Âu.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần