Tròn một năm trước, người dân Paris đã bị đánh thức bởi hàng loạt vụ tấn công tại nhà hát Bataclan, sân vận động Stade de France, các quán café ở quận 10 và quận 11 khiến 130 người thiệt mạng. Đây là vụ khủng bố có quy mô lớn nhất nhắm vào Thủ đô nước Pháp - quốc gia biểu tượng cho các giá trị nhân đạo, bình đẳng, bác ái của châu Âu và toàn thế giới.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công Paris. |
Tấn công Paris, những kẻ khủng bố đã chính thức tuyên chiến với ước vọng hòa bình trên thế giới. Quả đúng như vậy, sau cuộc khủng bố hôm 13/11, một loạt cuộc tấn công do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiếp tục xảy ra ở các nước châu Âu. Đức và Bỉ là các nạn nhân tiếp theo. Còn tại Pháp, đúng vào ngày Quốc khánh, một vụ tấn công bằng xe tải diễn ra tại Nice cho thấy những kẻ khủng bố vẫn chưa dừng lại.
"Tôi cảm thấy thiếu an toàn và tự nhắc mình phải thận trọng. Tôi luôn sợ hãi mỗi khi có một người che kín mặt đi ngang qua mình" - một người dân Pháp cho biết. "Dù bạn đi uống cà phê, đi nghe nhạc hay tụ tập với người thân, bạn đều không thể thoát khỏi nỗi ám ảnh về cơn ác mộng đã xảy ra" - một người dân khác bày tỏ.
"Mối đe dọa khủng bố luôn hiện hữu. Chúng ta có thể chống lại nó nhưng không thể tiêu diệt được nó. Trong lòng người dân Pháp, đặc biệt là Paris, những ý nghĩ và sự tổn thương vẫn luôn tồn tại" - ông Gilles Ferragu, chuyên gia nghiên cứu về chống khủng bố cho biết.
Cho đến nay, Pháp vẫn ở trong tình trạng khẩn cấp, không một người dân hay cơ quan chức năng nào dám lơi là. Chính phủ Pháp thắt chặt an ninh nội địa, tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát và quân đội. Nhưng sau vụ tấn công ngày 13/11, nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải. Danh tính của 2 trong số các kẻ tấn công vẫn chưa được xác nhận, kẻ chủ mưu chuỗi tấn công vẫn chưa được tìm thấy. Trong bài viết đăng trên các tờ báo của châu Âu ngày 12/11, Thủ tướng Manuel Valls cảnh báo khủng bố chắc chắn sẽ lại tấn công nước Pháp. Cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở khi các cuộc tấn công ráo riết của quân đội phương Tây vào những cứ điểm của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng khiến lực lượng này điên cuồng tìm cách chuyển mục tiêu tấn công sang châu Âu. Trên thực tế, hàng hàng công dân châu Âu đầu quân cho IS đang tìm cách trở về cố hương để nằm vùng lên kế hoạch tấn công ngay trong lòng Lục địa già. Đặc biệt, việc nhiều chiến binh tử vì đạo trà trộn trong dòng người tị nạn đang tìm cách nhập cư trái phép vào châu Âu khiến nguy cơ khủng bố gia tăng.
Ngày 13/11 năm nay, 700 người may mắn sống sót sau vụ khủng bố cùng người thân các nạn nhân đã tham dự lễ tưởng niệm những người xấu số thiệt mạng. Nhà hát Bataclan lại sáng đèn sau một năm thảm khốc nhưng nỗi bất an vẫn chưa tan trong lòng người dân Pháp và châu Âu.