Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một năm trên “ghế nóng”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11 đánh dấu đúng một năm kể từ khi ông Barack Obama tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2. Và không giống như nhiệm kỳ đầu tiên, thời kỳ "trăng mật" đã nhanh chóng kết thúc với vô số khó khăn, thử thách trong và ngoài nước.

Những thất bại trong chính sách đối nội, bê bối nghe lén làm ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại đã làm suy yếu uy tín và ảnh hưởng quốc tế của người đứng đầu cường quốc lớn nhất thế giới.

 

Vốn là hiện thân của hình mẫu chính trị gia được đa số người dân Mỹ xây dựng nên và có đủ yếu tố thuận lợi từ nhiệm kỳ đầu tiên để tiếp tục gặt hái thành công trong 4 năm là ông chủ Nhà Trắng. Nhưng nhiệm kỳ mới đã đem đến những vấn đề mới và là những thử thách thật sự đối với tài năng lãnh đạo của ông Obama. Những tuyên bố hoàn thành sứ mệnh tại Iraq và Afghanistan đã bị che mờ bởi các hành động của Washington với Syria. Thậm chí vì không thể thuyết phục được các chính trị gia của đảng Cộng hòa, ông Obama đã "chậm chân" hơn Tổng thống Nga V.Putin trong việc đưa ra đề xuất tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria thay cho can thiệp quân sự.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama.            Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AFP
Trong khi còn loay hoay cứu vãn tiến trình hòa bình Trung Đông, bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã trở thành một "vụ việc thế kỷ". Đồng minh truyền thống lâu đời của Mỹ ở Lục địa già, ở châu Á hay sân sau Bắc Mỹ gần như đã mất hẳn "niềm tin chiến lược" vào Washington. Chính nước cờ sai lầm tại Trung Đông và bê bối nghe lén đã khiến Tổng thống Mỹ phải trả giá bằng danh tiếng và sức nặng quyền lực của mình. Trong bản đồ chính trị toàn cầu, lần đầu tiên từ nhiều năm qua, Tổng thống Mỹ không còn là nhân vật quyền lực nhất, thậm chí có ý kiến cho rằng, cần phải xem xét lại giải thưởng Nobel Hòa bình đã trao cho ông Obama.
 

Trong nước, những chia rẽ về ngân sách quốc gia, vấn đề nâng trần nợ công đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Lần đầu tiên sau 17 năm, Chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động và những dư chấn của cuộc chiến giữa Nhà Trắng với Quốc hội đã khiến các thị trường toàn cầu bị thiệt hại. Vậy là, một năm đã trôi qua kể từ thời khắc ông Obama đi vào lịch sử với tư cách là Tổng thống da đen đầu tiên tái đắc cử hai nhiệm kỳ liên tiếp. Thế nhưng những gì diễn ra cho thấy, Tổng thống Mỹ chưa hoàn thành được những điều đã cam kết với cử tri cũng như chưa diễn tròn vai của mình trên sân khấu chính trị toàn cầu. Nếu ba năm còn lại của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ không nhanh chóng đưa ra đối sách thay đổi tình hình, rất có thể ông Obama sẽ phải rời Nhà Trắng mà không để lại bất kỳ di sản nào cho nước Mỹ.