Mức phí phi lý đến khó tin

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thông tin về việc phí vận chuyển 1 container từ Bắc vào Nam đang đắt gấp đôi đi Mỹ do một đại biểu Quốc hội vừa cung cấp khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Ngạc nhiên không hẳn vì mức đơn giá đắt đỏ mà vì đây không phải lần đầu tiên câu chuyện này được đề cập đến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo vị đại biểu Quốc hội này dẫn chứng, phí vận chuyển 1 container từ khi đi nội địa (từ Bắc vào Nam) lên tới 2.000 USD/container trong khi vận chuyển hàng tương tự từ Việt Nam sang Mỹ chỉ hết 1.000 USD/container. Đây là mức chi phí quá cao và cần có giải pháp kéo giảm để giảm khoản chi phí này cho nền kinh tế.

Thực tế trên không phải là mới. Trước đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT từng thốt lên: “Chi phí vận chuyển một container từ Hải Phòng về Hà Nội gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam. Vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh nổi!”.

Đây cũng là chủ đề được nói đến rất nhiều trong các diễn đàn về chi phí logistics. Còn nhớ, tại hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics diễn ra vào tháng 7/2020 đã xuất hiện một câu chuyện mà nhiều người mới nghe tưởng chuyện đùa.

Đó là câu chuyện 1 container tôm từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 40 triệu đồng, Việt Nam sang Nhật là 15 triệu đồng. Nó là một sự chênh lệch lớn đến mức phi lí. Và thực tế phi lí này không hiểu sao vẫn tồn tại đến hiện nay.

Bộ GTVT thừa nhận, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương khoảng 17% GDP, khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6% GDP). Hiệp hội Logictics Việt Nam từng công bố trong các chi phí, thì nhiên liệu chiếm 30 - 35%, phí BOT dao động từ 15 - 30%. Thậm chí còn có 5% phí tiêu cực.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến chi phí logistics ở nước ta quá cao là do đa số các đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa thực hiện các giao dịch, kết nối với chủ hàng đều qua trung gian, vì vậy chi phí bị đội lên là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, quy mô đơn vị kinh doanh vận tải nhỏ lẻ, sức cạnh tranh yếu, chưa tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của đơn vị vận tải dẫn đến tỷ lệ xe có hàng 2 chiều thấp, tỷ lệ xe chạy rỗng ở mức cao, từ 30 - 50% số chuyến xe, cũng là một tác nhân không nhỏ dẫn đến chi phí vận tải tăng cao.

Trở lại với câu chuyện liên quan đến phát biểu của vị đại biểu Quốc hội, trả lời về giải pháp kéo giảm chi phí vận chuyên hàng hóa, đại diện Bộ GTVT cho biết, thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ ngành, địa phương, DN liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ; đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Đồng thời rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải, như phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…; phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng.

Tuy nhiên, xin được nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện chi phí logistic trong nước đắt đỏ được đưa ra và cũng chẳng phải lần thứ nhất những giải pháp kéo giảm chi phí logistics được nói đến.

Song, cái chi phí cao ngất ngưởng ấy vẫn tồn tại một cách vô lý suốt bao năm nay. Điều mà DN mong muốn đó là những quyết tâm, giải pháp sẽ sớm có kết quả tích cực, phí vận chuyển 1 container trong nội địa không thể đắt đến vô lý phí vận chuyển quốc tế.