Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020: Khó về đích!

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, là động lực và là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế đất nước. Cùng với nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, thời gian qua số DN đăng ký thành lập mới liên tục tăng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, nhất là ảnh hưởng của dịch Covid-19, khiến số DN đang hoạt động hiện còn cách rất xa mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.

Sản xuất thiết bị điện tại Công ty CP Công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng). Ảnh: Thanh Hải
Nhiều doanh nghiệp ngừng kinh doanh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN đang hoạt động đến tính đến cuối năm 2019 là 650.008 DN. Trong 7 tháng năm 2020 số DN đăng ký thành lập mới là 75.250, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có số DN đăng ký thành lập mới nhiều (trên 2.000 DN) là: Thương nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng, dịch vụ tư vấn, thiết kế quảng cáo và chuyên môn khác… Một số ngành có số DN đăng ký thành lập mới giảm sâu hơn tốc độ giảm chung là: Vận tải, kho bãi, khai khoáng, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, kinh doanh bất động sản... Một số ngành khác tuy tăng, nhưng có số DN ít. Sự sụt giảm số DN đăng ký thành lập mới có nguyên nhân chủ yếu là tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Số DN quay trở lại hoạt động đạt tốc độ tăng khá so với cùng kỳ năm trước (tăng 17,6%). Những ngành có số DN quay trở lại nhiều (trên 300 DN) là: Thương nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo... Việc tăng này do 3 yếu tố tác động đó là do tinh thần ý chí kinh doanh của các chủ DN cao; Do sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và việc kiểm soát dịch Covid-19 đạt kết quả được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 đã làm cho việc cải thiện hoạt động của DN gặp trở ngại. Cộng số DN vào thị trường trong 7 tháng năm 2020 đạt 103.812 DN, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước.
Số DN ra khỏi hoặc tạm ra khỏi thị trường có một số điểm nhấn đáng quan tâm. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể là 8.937 DN, tuy giảm 3,5% so với cùng kỳ, nhưng là con số khá lớn. Những ngành có nhiều DN giải thể (trên 400 DN) là: Thương nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản... Những ngành tuy có số DN giải thể ít hơn, nhưng lại tăng so với cùng kỳ năm trước, như kinh doanh bất động sản, sản xuất phân phối điện, nước, ga... Số DN tạm ngừng kinh doanh là 32.722, tăng rất cao, lên đến 41,5%, số DN ngừng hoạt động là 21.802... Nếu cộng với số DN giải thể, thì tổng số DN ra khỏi thị trường lên đến 90.113, tăng 11.843 DN so với cùng kỳ.
Làm gì để đạt mục tiêu?
Do số DN ra khỏi thị trường tăng so với số DN vào thị trường, nên số DN đang hoạt động tính đến trong cuối tháng 7/2020 tuy tăng so với đầu năm (13.699 DN), nhưng đã giảm khoảng 12.612 DN so với cùng kỳ năm trước. Việc thực hiện mục tiêu 1 triệu DN đang hoạt động vào năm nay khó thực hiện; chỉ trong 7 tháng khởi đầu mà số DN đang hoạt động chỉ tăng thấp (13.699 DN) thì khoảng cách tới mục tiêu vẫn còn xa mới đạt. Người có vốn, doanh nhân cần phải có khát vọng khởi nghiệp; Nhà nước các cấp, các ngành cần hỗ trợ tích cực hơn để duy trì các DN đang hoạt động. Điều quan trọng nhất hiện nay là ngăn chặn và kiểm soát được dịch bệnh và hỗ trợ mạnh hơn cho DN.
Bên cạnh đó, do đại dịch Covid-19 khiến cho số DN tuyên bố rời khỏi thương trường gia tăng mạnh trong quý I và II/2020. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu đạt 1 triệu DN mới trong năm 2020 là rất khó khăn, thậm chí là không đạt được. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến kỳ vọng rằng trong số 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động hiện nay (gấp 10 lần số DN đang hoạt động), tổng tài sản ước tính khoảng 655.000 tỷ đồng là cơ sở để kỳ vọng vào con số 1 triệu DN đến cuối năm 2020 này. Bởi trong số 5 triệu hộ sản xuất kinh doanh hiện nay, có tới 11% hộ kinh doanh nằm trong diện có thể chuyển đổi thành DN, tức là sử dụng lao động thường xuyên từ 10 người trở lên. Tuy nhiên, những thủ tục hành chính về thuế quá rườm rà, “gánh” thêm nhiều chi phí, đối diện với nhiều vấn đề “nhạy cảm” như thanh tra, kiểm tra, chi phí ngoài luồng... là những lý do khiến cho phần lớn các hộ kinh doanh cá thể không muốn phát triển lên thành DN. Do đó, muốn hộ kinh doanh chuyển thành DN trước mắt chúng ta cần phải cởi bỏ ngay những rào cản này.