Mùi Tết

Tản văn của Đỗ Thanh Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối năm, người già thường bâng khuâng nhớ cái mùi đặc trưng của Tết.

Thực ra, mấy ngày Tết thời hiện đại cũng chỉ như mọi ngày thường thôi. Khi đời sống vật chất đã đủ đầy, chuyện cơm ăn áo mặc không còn quá khó khăn như thời xưa, người ta chả cần đợi đến ba ngày Tết để được ăn ngon mặc đẹp nữa. Cái háo hức mong đợi Tết cũng nhạt đi, thay vào đó là nỗi lo của những cuộc đối nội, đối ngoại của thời buổi "phú quý sinh lễ nghĩa". Từ sau ngày ông Công, ông Táo lên chầu trời, phố phường lúc nào cũng đông nghịt, tắc nghẽn người đi lễ lạt, biếu xén, tất bật cho đến chiều ba mươi Tết. Khi ấy, người ta mới thanh thản quay về với nhịp sống chậm để cảm nhận Tết đang về với gia đình, để lắng nghe và cảm nhận mùi Tết.
Mùi Tết là thứ mùi tổng hợp của những nỗi nhớ. Là mùi khói hương quyện với những luống cày ải trên các nấm mộ chiều cuối năm, con cháu ra đồng thắp hương cáo tổ tiên, mời ông bà về nhà sum họp. Gió nồm lồng lộng cuốn theo mùi cỏ khô và lớp bụi mờ mờ, ngai ngái. Mùi của những ao cá tát vét cuối năm, mùi bùn lẫn với mùi tanh tao của những sọt cá sắp chở ra chợ, phục vụ nhu cầu ăn Tết. Vang trong xóm làng, tiếng lợn kêu eng éc, gà kêu quang quác cho những cuộc Tất niên của lối xóm, quyện với mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh, lá chuối của những nồi bánh chưng sôi sùng sục đượm mùi khói than củi. Những thanh củi gộc để dành mấy tháng, đượm lửa, mùi khói gợi nhắc về một thời xưa cũ chưa có dấu ấn của bếp từ, bếp ga. Mùi xào nấu, mùi nem rán, mùi cá kho riềng, và hàng trăm thứ mùi ấm áp gợi đủ làm người ta cồn cào gan ruột.

Trong sân nhà, ông bố già lụm cụm pha nước thơm, hóa bát chân nhang, lau rửa đồ thờ, mùi ngũ vị hương hòa với mùi trầm ngan ngát, gợi man mác nhớ những bóng dáng ông bà thuở nào vào ra dưới hiên nhà. Năm nào, ông bố cũng chọn ngày 28 Tết để quét lại sơn cổng, sơn tường sân vườn, đôi ngày, mùi sơn còn phảng phất, không gian sáng bừng lên những sắc màu tươi tắn. Ông vẫn bảo: "Tết là khép lại những điều cũ kỹ để mở ra những hy vọng tươi mới. Quét dọn hay sơn sửa nhà cửa cũng là cách tự làm mới tâm mình, để hướng tới những điều tốt đẹp đang chờ phía trước".

Năm nào, ông cũng đích thân ra bãi đào Nhật Tân, chọn một cội đào xù xì, không uốn éo để chơi Tết. Ông bảo: "Tết thì phải đủ quất, đào. Nếu không phải năm gia đình có "bụi xám" (người thân mất) thì phải chơi đào bích. Đào bích không đâu đẹp bằng đào trồng bãi Nhật Tân, đất phù sa màu mỡ làm cho cánh hoa thắm nhất, khi bung nở sẽ căng và mịn màng nhất, màu hồng thắm mà tươi. Còn quất, không cần lựa cây quá đồ sộ, mà chọn cây đủ các tiêu chí: lộc, nụ, hoa, quả xanh, quả chín. Quất trên Tây Hồ vốn chủ yếu trồng mạn Văn Giang, tầm tháng Tám, người ta đánh về trên này để chăm bón. Quất Hưng Yên quả nhỏ, vỏ sần, về đất Tây Hồ, qua bàn tay nghệ nhân chăm bón, vỏ căng bóng, lá dày mỡ màng. Màu quất vàng tượng trưng cho sự sung túc, màu đào hồng tượng trưng cho sự may mắn. Tết thiếu cặp đôi này, kém vị đi." Trong gian phòng khách, những nụ đào âm thầm lớn dần, sáng ba mươi Tết lác đác nở và sáng mùng Một rộ lên sắc hồng là đẹp nhất. Hương hoa đào, hoa quất rất dịu nhẹ nhưng vẫn quyến rũ lũ ong mật vo ve tìm vào.

Mùi Tết không thể thiếu hương mùi già từ nồi nước thơm mẹ nấu để cả nhà tắm Tất niên và rửa mặt đầu năm mới. Năm nào cũng vậy, ngày cuối năm, mẹ về quê cắt bó mùi già to trong vườn. Chiều ba mươi khi mọi việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa đã tươm tất, bữa cơm Tất niên đã hoàn thành, mẹ bắc nồi to đun nước mùi cho cả nhà. Mùi thơm xua đi những mùi hỗn tạp trong nhà, thơm lạ lùng, mùi vừa ấm áp, vừa thanh tao. Những gáo nước mùi để gội đầu, tắm Tất niên như gột rửa cả tâm hồn, cuốn đi những ưu phiền sân si suốt một năm, để con người cảm thấy như mình thanh sạch vô ngần cho những điều mới mẻ.

Những năm xưa, nhớ mùi Tết là nhớ về mùi thơm của khói pháo giao thừa, pháo khai Xuân sáng mùng Một. Mùi khói pháo ấm nồng, xua bớt cái lạnh ngày đầu năm. Từ ngày bỏ tục đốt pháo, mùi khói đốt vàng mã cúng thần linh đêm ba mươi cũng phảng phất gợi nhớ mùi giấy cháy hòa với diêm sinh. Nhìn những đốm lửa tàn dần trong lò hóa vàng, người ta có chút bần thần tiếc nuối những gì rực rỡ đã qua, như cảm giác hụt hẫng sau khi chứng kiến màn pháo hoa rực rỡ lúc sang canh. Trẻ con thì không thể có cảm nhận ấy. Chỉ những người trung niên mới thoáng chút ngậm ngùi, bước sang năm mới, già thêm một tuổi, gánh nặng cuộc đời thêm chồng chất, nhưng nhìn đám trẻ con thêm tuổi mới trong nhà lại thấy khấp khởi những niềm vui.

Gần đây, người ta bảo bỏ Tết ta để dồn vào Tết Tây, tiết kiệm và tập trung cho lao động sản xuất. Đám người trẻ vốn sợ vất vả thì ủng hộ lắm, chỉ những người già thì lắc đầu, mất Tết là mất đi một phần cội nguồn, phần văn hóa. Có những giá trị tinh thần của ngày Tết không dễ nhìn thấy như những thứ vật chất, cơm áo, bởi nó mong manh như mùi hương đặc trưng, mở ra những miền tâm hồn, những nỗi nhớ, những hồi ức mà chỉ khi sống chậm lại, lắng tâm hồn mình, ta mới nhận ra.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần