Bên cạnh đó, kênh trái phiếu DN (TPDN) cũng có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, để các kênh huy động vốn này ổn định bền vững, nắn vốn đúng dòng và có thêm các giải pháp khôi phục niềm tin nhà đầu tư là việc cần tiếp tục làm mạnh hơn nữa.
Tiền chảy lại vào chứng khoán, trái phiếu có dấu hiệu phục hồi
Kết thúc tháng 8/2023, VN-Index đóng cửa ở mức 1.224,05 điểm, cao hơn 1,15 điểm so với cuối tháng 7 và 216,96 điểm so với cuối năm 2022. Thanh khoản bình quân 1 phiên vào khoảng 22.281 tỷ đồng, tăng 23% so với tháng 7 và 112% so với tháng 1/2023. Tổng cộng sau 8 tháng, VN-Index đã tăng 21,5% và HNX-Index cũng tăng 21,6%. Riêng giá trị giao dịch của thị trường đã tăng gấp 3 lần và duy trì ở mức giao dịch trị giá cả tỷ USD mỗi phiên.
Diễn biến tích cực của chỉ số chứng khoán được giới chuyên gia lý giải nhờ vào dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, các nhà đầu tư tính riêng tháng 7 đã mở mới 151.000 tài khoản chứng khoán. Con số mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại.
Trên thị trường TPDN, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, kể từ quý II/2023, tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện và tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại. Một số tổ chức chủ động mua lại trái phiếu để cơ cấu lại nguồn vốn, hoạt động đàm phán cơ cấu lại trái phiếu tiếp tục được triển khai giúp tổ chức phát hành trước mắt có thêm thời gian phục hồi sản xuất kinh doanh và tạo ra dòng tiền trả nợ, cải thiện tháo gỡ áp lực thanh khoản về lâu dài.
Đặc biệt, thị trường ngày càng minh bạch hơn với việc yêu cầu công bố thông tin tập trung trên hệ thống chuyên trang thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đối với cả DN phát hành và tổ chức đăng ký, lưu ký trái phiếu. Cùng với đó, khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách cho hoạt động của thị trường TPDN từng bước được ban hành đồng bộ từ luật, nghị định đến thông tư.
Phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, DN, các bên tham gia vào thị trường trái phiếu để bảo đảm quản lý, vận hành thị trường phát triển ổn định, tuân thủ quy luật thị trường theo đúng pháp luật hiện hành, hài hòa lợi ích các chủ thể tham gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Theo thống kê, trong tháng 8 đã có 18 đợt phát hành TPDN thành công với lượng phát hành hơn 21.500 tỷ đồng, tăng 70% so với tháng 7. Tính đến hết phiên giao dịch ngày 18/8/2023, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu toàn thị trường đạt 23.328.110 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 5.764,9 tỷ đồng.
Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 1 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt 250,6 tỷ đồng/phiên. Trong đó, trái phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là trái phiếu Vietcombank với 3.412,707 tỷ đồng, tiếp theo là trái phiếu BIDV với giá trị giao dịch đạt 1.831,655 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, giao dịch của nhà đầu tư trong nước chiếm 100% giao dịch trên thị trường.
Giới chuyên gia nhìn nhận, hấp lực của thị trường chứng khoán với nhà đầu tư cá nhân đến từ diễn biến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành 4 lần trong năm 2023, giảm 150 điểm cơ bản xuống còn 4,5% (đối với lãi suất tái cấp vốn). Biểu lãi suất các ngân hàng đầu tháng 8/2023 cho thấy, lãi suất tiết kiệm tại quầy giảm từ 0,1 - 0,7%/năm so với đầu tháng 7.
Trong xu thế lãi suất tiết kiệm được nhận định tiếp tục giảm, nhiều chuyên gia dự báo nguồn tiền nhàn rỗi sẽ tiếp tục chuyển dịch sang thị trường chứng khoán, đặc biệt với nguồn tiền gửi lãi suất cao từ cuối năm ngoái sẽ đáo hạn trong nửa cuối năm nay. Về vĩ mô, với những thông tin tích cực về quyết tâm của Chính phủ duy trì tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mục tiêu đề ra là thông tin kích thích giới đầu tư.
Nhiều thách thức
Dù đã có những dấu hiệu tích cực, song theo nhận định của giới chuyên gia hiện vẫn còn rất nhiều thách thức với các thị trường vốn, bao gồm thị trường chứng khoán và TPDN. Đó là những khó khăn đối với thị trường bất động sản và đặc biệt là thị trường trái phiếu vẫn chưa có bước chuyển biến căn cơ, tích cực.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn và tăng trưởng thấp, đặc biệt là khu vực EU có nhiều nền kinh tế bước vào suy thoái như Đức, Hà Lan... Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo về việc chính sách tiền tệ cần áp dụng "đúng liều" và cẩn trọng để tránh hiện tượng dòng vốn giá rẻ chảy mạnh vào hoạt động đầu cơ khiến thị trường chứng khoán chỉ hồi phục ngắn hạn.
Theo nhận định của FiinRatings, trong các tháng tiếp theo, áp lực đáo hạn vẫn sẽ tiếp tục là khó khăn chung của thị trường. Cụ thể, quý IV/2023 là cao điểm đáo hạn trái phiếu với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ VNĐ (không tính các lô giãn hoãn), với gần 80% thuộc nhóm ngành bất động sản. Riêng tháng 9 có giá trị đáo hạn trái phiếu lớn trong cả năm 2023, với khoảng 41.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn. Danh sách các DN chậm thanh toán vẫn đang kéo dài thêm qua từng ngày. Tính đến ngày 24/8/2023, có khoảng 67 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu DN.
Với kênh trái phiếu, các chuyên gia đánh giá thị trường bị khủng hoảng về niềm tin nên hiện tại chưa thể hồi phục nhanh như cổ phiếu. Số lượng DN huy động vốn qua trái phiếu thành công vẫn còn khá ít. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục giải quyết những vấn đề nội tại, có những chính sách khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường.
Trước dự báo còn nhiều thách thức đối với thị trường TPDN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước bao gồm Luật DN, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn về phát hành TPDN riêng lẻ.
Cùng với đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, Nhà nước tạo cơ chế xử lý bằng biện pháp kinh tế, tuân thủ quy luật thị trường theo quy định của pháp luật hiện hành và khuyến khích DN, nhà đầu tư thỏa thuận phương án thanh toán trái phiếu trong trường hợp DN không thể thanh toán đúng hạn, bảo đảm an ninh trật tự trên phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
"DN có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn cho nhà đầu tư theo các điều khoản, điều kiện của trái phiếu. DN có trách nhiệm đến cùng với các trái phiếu đã phát hành. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm, phải ngay lập tức điều tra, xác minh và xử lý để răn đe, chấn chỉnh, bảo đảm sự an toàn của thị trường" - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bên cạnh việc phát triển về quy mô, thanh khoản, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng minh bạch và lành mạnh hơn khi nhiều sai phạm đều bị xử lý nghiêm. Hiện nay, nhiều DN đã chủ động trong việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, trong đó, riêng nhóm VN30 đã có 100% DN công bố thông tin bằng tiếng Anh. Những nỗ lực về cả sửa đổi pháp lý cũng như các giải pháp thực tiễn của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các thị trường vốn của Việt Nam.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương
Việt Nam đã và đang là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Viện Nghiên cứu McKinsey, gần 70% người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn lạc quan về tương lai. Các nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục tăng cường đầu tư vào châu Á và Việt Nam là điểm đến đầu tư nổi bật trong tương lai ở châu Á, khi nỗ lực cải cách thị trường của cơ quan quản lý sẽ giúp các nhà quản lý quỹ toàn cầu tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn.
Đại diện Hiệp hội Các thị trường tài chính và chứng khoán châu Á Lyndon Chao