Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ cần Anh ở lại EU

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama (22 - 24/4) diễn ra trong bối cảnh không chỉ tại Anh mà ở châu Âu đang dấy lên những tranh luận trái chiều về kế hoạch trưng cầu dân ý việc Anh có ở lại Liên minh châu Âu (EU) hay không vào ngày 23/6 tới

Sự xuất hiện của ông Obama tại Anh trong thời điểm này sẽ là một liều thuốc an thần cho Thủ tướng Anh David Cameron sau nhiều ngày đau đầu vì những áp lực trước “Hồ sơ Panama”.

Lâu nay, Mỹ luôn tránh bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của EU, nhưng ông Obama cũng nhiều lần khẳng định không muốn Anh rời khỏi EU. Quan điểm này tương đồng với mong muốn của EU và ông Cameron, nhưng người dân Anh mới có quyền đưa ra quyết định. Đồng ý tổ chức trưng cầu dân ý, ông Cameron đã chấp nhận một ván bài rủi ro “được ăn cả, ngã về không”.
Chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Barack Obama được Thủ tướng Anh David Cameron chào đón.
Chuyến thăm Anh của Tổng thống Mỹ Barack Obama được Thủ tướng Anh David Cameron chào đón.
Tuy nhiên, kể từ sau khi dính líu tới vụ bê bối "Hồ sơ Panama", uy tín của ông Cameron đã xói mòn không ít. Phe ủng hộ việc Anh rời khỏi EU đã nhân cơ hội này để trỗi dậy mạnh mẽ. Vị thủ tướng này và Tổng thống Obama lại có quan hệ thân thiết,  nên ông Obama dùng hẳn cả một chuyến thăm để ngầm cho EU và Anh thấy rằng, Mỹ ủng hộ xứ sở sương mù ở lại EU. Nếu cử tri Anh ủng hộ rời EU thì ông Cameron khó có thể tiếp tục cầm quyền.

Giúp Thủ tướng Cameron cũng còn là cách Tổng thống Obama hỗ trợ tăng cường sức mạnh nội bộ của EU, cũng như ngăn việc nhóm này tan rã. Chưa kể, ông Obama có lợi ích cá nhân trong việc giúp ông Cameron tiếp tục tại vị. Trong bối cảnh hiện tại, đây là điều cần thiết cho Mỹ. Anh có vai trò thiết thực trong việc châu Âu hình thành, áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran và Nga, qua đó thể hiện ý chí của Mỹ. London cũng đã thành công trong việc thúc đẩy châu Âu thông qua luật chống độc quyền, nhờ đó dỡ bỏ những hàng rào thương mại, khiến EU trở thành một thị trường tự do, mang lợi ích cho cả châu Âu và nhiều DN Mỹ.

Không chỉ vì nguy cơ các thị trường “nổi sóng” sau khi Anh rời khỏi EU, mà một khi nước này ra khỏi EU, sẽ rất khó để Mỹ nắm bắt phương thức hoạt động của nhóm này. Với sự hiện diện của Anh, Mỹ có thể xử lý với EU mọi chuyện dễ dàng hơn là với từng thành viên cũng như có thể chia sẻ gánh nặng về tài chính và trách nhiệm về chính trị trong việc giải quyết những vấn đề lớn của châu lục lẫn thế giới. Không còn là thành viên của EU, Anh cũng sẽ mất tiếng nói trong các nền kinh tế châu Âu, các ủy ban đối ngoại, ủy ban chính trị nơi nước này từng góp tiếng nói ủng hộ Washington mạnh mẽ.

Do đó, dù Tổng thống Mỹ không có tiền lệ can thiệp góp ý, trực tiếp vào một cuộc trưng cầu dân ý của quốc gia khác, nhưng sự kiện của London ngày 23/6 sắp tới có tầm ảnh hưởng hơn thế. Mỹ cần Anh phải ở lại và duy trì sức mạnh trong EU, vì cả lợi ích của Anh và của Mỹ.