Kinhtedothi - Những đổi thay ở xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ, Bình Định) hôm nay thật đáng ngạc nhiên. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm khá hoàn chỉnh. Các con đường dọc ngang từ thôn này đến xóm kia giờ đây phẳng lì lớp bê tông cứng cáp.
Chủ tịch UBND xã Trần Văn Sang.
Chợ nông thôn rất đông người mua bán, dịch vụ vui chơi giải trí hoạt động tấp nập. Trường học đạt chuẩn giai đoạn 1, trạm y tế đạt chuẩn, 99% hộ sử dụng điện. Nhà cửa cao tầng đua nhau mọc lên san sát. Khá nhiều xe chuyên chở hàng hóa, hành khách đi các tỉnh, thành… đã tạo nên cảnh tượng nhộn nhịp như chốn thị thành.
Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã cho biết: Có được kết quả như hôm nay là nhờ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp ngành trong huyện. Tình hình kinh tế có bước tiến khá mạnh; văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Giá trị sản xuất hàng năm đều tăng năm sau cao hơn năm trước. Toàn xã có 16 thôn với số dân 15.000 người. Cơ cấu kinh tế đa dạng, phát triển theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp và tăng công nghiệp, xây dựng; thương mại, dịch vụ. Hiện, tỷ trọng này chiếm tương ứng là 44,36%: 30,04%: 25,6%. Đáng mừng nhất là đời sống của Nhân dân cải thiện nhiều mặt, thu nhập bình quân đầu người hiện nay tăng lên 28 triệu đồng/năm; sản lượng lương thực có hạt 4.600 tấn. Đa số lao động đều có công ăn việc làm ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,4%.
Người dân xã Mỹ Chánh đang phơi ớt.
Ông Sang cho biết thêm: Để khai thác hết tiềm năng và thế mạnh đối với ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ và đồng thời giảm tỷ trọng nông nghiệp trong tổng giá trị sản xuất, Đảng ủy, chính quyền xã Mỹ Chánh vận động các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp đưa cơ sở chế biến vào hoạt động tại cụm công nghiệp rộng 30ha mới được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời tiếp tục củng cố và đưa làng nghề xay xát, chế biến ớt, nghệ hoạt động hiệu quả hơn, nhằm tạo ra nhiều cơ hội tìm kiếm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Chỉ riêng nghề chế biến ớt đã thu hút trên 600 lao động trong và ngoài xã.
Trong nông nghiệp, xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai nhiều mô hình hiệu quả cao như: Mì, mía, ớt, mè, đậu phụng, ngô, rau dưa các loại…
Khuyến khích bà con áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối. Trong đó, hộ ông Nguyễn Thành Tài, Đặng Công Đúng ở thôn An Hòa, ông Trần Văn Cường ở thôn An Quang là điển hình trong sản xuất giỏi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đối với các hộ nghèo có sức lao động thì xã sẽ tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hướng dẫn cách làm ăn với tổng dư nợ là 5 tỷ đồng.
Điều băn khoăn trăn trở nhất hiện nay là trên 300 hộ dân ở hai thôn An Xuyên 2, An Xuyên 3 không có nước sạch sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm mặn. Nhà máy nước sạch xây dựng từ năm 2002 thì gần như bị tê liệt. Tuy nhiên, mới đây, Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh đã tiếp nhận và chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy nước mới, dự kiến hoàn thành năm 2015. Đây là điều kiện hết sức cần thiết giúp người dân ổn định cuộc sống.
Nói về thời gian tới, ông Sang cho biết thêm: Dự kiến, đến năm 2020, Mỹ Chánh sẽ trở thành thị trấn. Vì vậy, ngay từ bây giờ xã sẽ tập trung phát triển kinh tế theo hướng thương mại và dịch vụ. Tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tạo nguồn vốn xây dựng kênh mương bê tông phục vụ tốt hơn cho nông nghiệp; ngoài chợ An Lương hiện có thì xây dựng thêm chợ mới là An Xuyên.
Với hướng đi đó, chắc chắn bộ mặt thị trấn Mỹ Chánh sẽ dần hiện hữu.