Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ công bố khởi động thảo luận về IPEF

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Joe Biden đã đề xuất kế hoạch tham gia kinh tế mới của Mỹ ở châu Á vào hôm 23/5, mở cơ hội cho gần một chục quốc gia trong khu vực có thể tìm ra cách thực thi thỏa thuận, và khả năng liệu Trung Quốc có thể tham gia hay không.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại sự kiện khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF). Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa), cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại sự kiện khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF). Ảnh: Reuters

Tổng thống Biden đã chọn chuyến công du đầu tiên của mình tới châu Á để chính thức công bố khởi động thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF).

Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận không cung cấp miễn trừ thuế quan cho các quốc gia tham gia, nhưng đề xuất phương án giải quyết một loạt các vấn đề, từ biến đổi khí hậu đến khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và thương mại kỹ thuật số.

Nhìn chung, IPEF là một nỗ lực của Washington nhằm cứu vãn một phần lợi ích của việc tham gia vào một hiệp định thương mại rộng lớn hơn, tương tự hiệp định Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ rời khỏi, hiện được gọi là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Tương lai của nền kinh tế thế kỷ XXI phần lớn sẽ được viết ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - Tổng thống Biden phát biểu tại sự kiện công bố IPEF ở Tokyo, Nhật Bản, hôm 23/5 - "Chúng tôi đang viết ra các quy tắc mới".

"Điều này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và công nghệ" - Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, người tham gia sự kiện công bố IPEF theo hình thức trực tuyến cho biết - "Hiện tại vẫn là một đề xuất đang được tiến hành. Các cuộc tham vấn chi tiết sẽ được lên kế hoạch trong tương lai gần".

Chính quyền Biden mong muốn thỏa thuận này sẽ nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và các tiêu chuẩn khác trên toàn châu Á. Các quốc  gia tham gia vào quá trình khởi động ban đầu đối với IPEF bao gồm Australia, Brunei, Indonesia, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.

Việc Mỹ hạ thấp các rào cản đối với sự tham gia khởi động ban đầu, bằng cách không yêu cầu các cam kết tham gia đàm phán, được cho là đã thành công trong việc thu hút số lượng các quốc gia quan tâm cao hơn so với dự kiến.

Reuters dẫn lời các quan chức nhận định, các nước quan tâm tới IPEF sẽ cần phải thương lượng về những tiêu chuẩn mà họ muốn tuân theo, cách thức thực thi chúng, và liệu các cơ quan lập pháp trong nước của họ có cần phê chuẩn chúng hay không, cũng như làm thế nào để xem xét các thành viên tiềm năng trong tương lai, bao gồm cả Trung Quốc.

Cũng theo Reuters, Trung Quốc đã bày tỏ không quan tâm đến việc tham gia IPEF. Một quan chức Mỹ cho biết, nhiều tiêu chuẩn mà Washington muốn có sẽ khiến một thỏa thuận như vậy trở nên khó có thể chấp nhận đối với Bắc Kinh.

Vào tháng 9/2021, Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP.

Sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Biden hôm 23/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng ông cũng đã thảo luận về việc Washington nên tham gia lại hiệp định thương mại của khu vực.

Trung Quốc hoan nghênh các sáng kiến ​​có lợi cho việc tăng cường hợp tác khu vực nhưng "phản đối các nỗ lực gây chia rẽ và đối đầu" - Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong một tuyên bố - "Châu Á -Thái Bình Dương nên trở thành một vùng đất thúc đẩy sự phát triển hòa bình, thay vì là một đấu trường địa chính trị".

Các chuyên gia kinh tế và thương mại tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Washington đánh giá, vẫn chưa rõ việc chính quyền Biden đã lên kế hoạch như thế nào để đạt được các mục tiêu của IPEF đề ra, hoặc những động lực mà họ có thể cung cấp để khuyến khích các nước hợp tác.

"Các nước (tham gia lễ công bố hôm 23/5) chỉ cam kết tham dự một vòng thảo luận ban đầu, và liệu sự nhiệt tình ban đầu rộng rãi này đối với khuôn khổ có tiếp tục khi các cuộc đàm phán bắt đầu hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ" - các chuyên gia viết trong một ghi chú ngắn.

Chiều ngày 23/5, phát biểu tại Lễ Công bố khởi động thảo luận về IPEF, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam kiên định đường lối và đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Việt Nam cũng tham gia nhiều sáng kiến liên kết kinh tế quốc tế, tích cực đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung đẩy nhanh phục hồi kinh tế và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng trong quá trình thảo luận về IPEF, cần hướng đến một khuôn khổ hợp tác mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đây cần là một quá trình mở, bao trùm, cân bằng, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên liên quan.

"Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN và các đối tác liên quan tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn nội hàm của các trụ cột hợp tác, đem lại một chương trình nghị sự kinh tế tích cực, hiệu quả, khả thi cho khu vực và cho mỗi nước; vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, và thịnh vượng trong khu vực và trên toàn thế giới," Thủ tướng cho biết.