Mỹ định làm gì với đề xuất viện trợ 110 tỷ USD?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đề xuất viện trợ gần đây của ông Biden đang làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Quay trở lại hoạt động sau một thời gian tạm ngừng để tìm kiếm vị trí chủ tịch mới, một trong những ưu tiên trước mắt của Hạ viện Mỹ là xem xét đề xuất gói viện trở trị giá lên đến 110 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden dành cho Ukraine, Israel và một số mục đích khác.

Theo đó, Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ viện trợ khoảng 61,4 tỷ USD cho Kiev, trong đó 16,3 tỷ USD được sử dụng để hỗ trợ kinh tế và việc vận hành các cơ quan nhà nước, chẳng hạn trả tiền lương cho các quan chức đang làm việc và quỹ hưu trí. Gần nửa tỷ cũng được chi ra nhằm giúp ổn định cuộc sống cho người tị nạn Ukraine tại Mỹ.

Ông Biden đang nỗ lực yêu cầu Quốc hội Mỹ chi số tiền khoảng 14,3 tỷ USD cho Israel, dù không nêu cụ thể kế hoạch chi tiêu. Nguồn: Asia Times
Ông Biden đang nỗ lực yêu cầu Quốc hội Mỹ chi số tiền khoảng 14,3 tỷ USD cho Israel, dù không nêu cụ thể kế hoạch chi tiêu. Nguồn: Asia Times

Không những vậy, ông Biden đang nỗ lực yêu cầu Quốc hội Mỹ chi số tiền khoảng 14,3 tỷ USD cho Israel, dù không nêu cụ thể kế hoạch chi tiêu. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng thúc giục nền kinh tế số một thế giới gấp rút chi khoản tiền 10 tỷ USD cho hoạt động nhân đạo, bao gồm hỗ trợ người tị nạn ở Trung Đông, nhưng không nêu cụ thể các đối tượng thụ hưởng hay cách thức phân bổ. Thậm chí nhiều người lo ngại rằng trong số dòng người tị nạn từ Gaza sẽ bao gồm các phần tử khủng bố, có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Washington và các nước phương Tây.

Bên cạnh đó, ông Biden còn đề xuất khoản tiền 13,6 tỷ USD chi trả các chi phí liên quan đến vấn đề biên giới Mỹ-Mexico như thuê đặc vụ hay xây khu tạm trú mới cho người tị nạn. Trong đó, 1,4 tỷ USD sẽ được sử dụng để cung cấp thực phẩm và nơi ở cho người nhập cư bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, mặc dù việc đề xuất Đạo luật an ninh biên giới sẽ giúp đạt được những kết quả tích cực như tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới, chưa ai biết được cần huy động từ đâu khoản tiền đủ lớn để đạt được điều này.

Hiện tại, bất chấp việc nhiều quan chức Mỹ đã phản đối các khoản viện trợ dành cho Ukraine do lo ngại về tình trạng tham nhũng tại quốc gia này, những khoản kinh phí lớn nhằm hỗ trợ trang thiết bị và đạn dược cho Kiev đã được chuyển đến sau những nỗ lực của ông Biden.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ còn có thể tiếp tục duy trì các khoản viện trợ quân sự cho Ukraine, nhất là khi số lượng vũ khí cần thiết đang dần cạn kiệt hay thậm chí khả năng quốc phòng của nền kinh tế số một thế giới đang bị đe dọa.

Chính phủ Mỹ nên làm gì?

Nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng quốc hội Mỹ không nên ủng hộ kế hoạch của chính phủ nhận thêm quá nhiều người tị nạn vì điều này có thể tạo ra gánh nặng cho Washington.

Đáng chú ý, không nên thu hút thêm lượng người nhập cư từ Ukraine vì có thể gây ra tình trạng bất ổn cho nước Mỹ.

Bên cạnh đó, những chuyên gia này cũng khuyên rằng, gói viện trợ 110 tỷ USD của ông Biden nên giành cho những mục tiêu cấp bách nhất của nước Mỹ, chẳng hạn như nhu cầu cấp thiết trong thời chiến của Kiev, thay vì trả lương cho quan chức Ukraine và quỹ hưu trí của nước này.

Washington vẫn nên viện trợ vũ khí và đạn dược quan trọng cho Ukraine và Israel, chẳng hạn như đạn pháo 155mm cũng như tăng cường hơn nữa chi phí cho quân đội bảo vệ biên giới. Việc chi tiêu quốc phòng cũng cần được xem xét kỹ lưỡng khi tình trạng mua sắm thiếu hợp lý hiện tại đang làm suy yếu đáng kể tiềm lực kinh tế của Mỹ. Thay vì đổ hàng tỷ USD vào vũ khí, nền kinh tế số một thế giới có thể tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, một điều không kém phần quan trọng là Quốc hội cần phải đầu tư phát triển hệ thống quốc phòng mới thay vì vẫn giữ vững hiện trạng như hiện tại.