Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ gia hạn ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế thép Việt Nam

Minh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 9/9, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) thông tin, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá đối với thép tấm không gỉ nhập khẩu từ Việt Nam đến ngày 4/1/2023.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là lần thứ 5 Hoa Kỳ gia hạn ban hành kết luận điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với thép tấm không gỉ từ Việt Nam. Trước đó, ngày 15/5/2020, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá (CBPG), và chống trợ cấp (CTC) đối với thép tấm không gỉ (dạng đai và dải) nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra 2 nội dung: Điều tra về phạm vi sản phẩm (scope inquiry) để xác định liệu sản phẩm thép tấm không gỉ được sản xuất tại Trung Quốc, sau đó được gia công thêm ở Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thuộc đối tượng đang bị áp thuế hay không. Điều tra về hành vi lẩn tránh (circumvention) của các doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 2/9/2022, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo gia hạn thời gian ban hành kết luận cuối cùng đối với cả hai nội dung điều tra đến ngày 4/1/2023.

Theo Bộ Công Thương, bắt đầu từ tháng 2/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm thép tấm không gỉ (mã HS thuộc nhóm 7219 và 7220) có xuất xứ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá từ 63,86 - 76,64% và thuế chống trợ cấp từ 75,60% đến 190,71%. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu Hoa Kỳ đang áp dụng với thép tấm không gỉ của Việt Nam là 0%.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu trong vụ việc này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến của vụ việc. Nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống lẩn tránh thuế của Hoa Kỳ; Hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra khi có yêu cầu; có ý kiến kịp thời đối với các kết luận của DOC hoặc các vấn đề do các bên liên quan nêu. Thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại trong quá trình xử lý vụ việc.