KTĐT - Tính cả năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số 1 thế giới tăng 2,9%, trái với mức sụt giảm 2,6% trong năm 2009 và mức 0% của năm 2008, đồng thời là mức tăng trưởng mạnh nhất từ sau năm 2005, khi đó GDP tăng 3,1%.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 28/1, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 3,2% trong quý cuối cùng của năm ngoái, cao hơn so với mức 2,6% trong quý trước, nhưng vẫn thấp hơn mức dự báo của 85 chuyên gia kinh tế do Bloomberg tổng hợp là 3,5%.
Tính cả năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế số 1 thế giới tăng 2,9%, trái với mức sụt giảm 2,6% trong năm 2009 và mức 0% của năm 2008, đồng thời là mức tăng trưởng mạnh nhất từ sau năm 2005, khi đó GDP tăng 3,1%.
Như vậy, GDP của Mỹ đã tăng trưởng trong sáu quý liên tiếp sau khi trải qua giai đoạn khủng hoảng dài nhất và sâu rộng nhất kể từ những năm 30.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, yếu tố tạo nên đà tăng trưởng mạnh của GDP trong quý 4/2010 là do có sự tăng trưởng trong chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu. Chi tiêu của các hộ gia đình, lĩnh vực chiếm 70% nền kinh tế, có mức tăng trưởng 4,4% so với cùng kỳ năm 2009, là mức tăng cao nhất kể từ quý 1/2006.
Khoản chi vào hàng hóa lâu bền, như ôtô và đồ dùng gia đình, của các hộ gia đình tăng 21,6%. Trong khi đó, giá trị xuất khẩu của Mỹ trong quý cuối năm ngoái tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2009, trong khi đó, giá trị nhập khẩu giảm 15,5%. Hàng tồn kho là yếu tố cản trở nhiều nhất đến sự mở rộng của nền kinh tế trong quý vừa qua.
Các chuyên gia cảnh báo nếu nền kinh tế không tăng trưởng nhanh hơn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không thể suy giảm nhanh đủ để đem lại công ăn việc làm cho hàng triệu người Mỹ. Theo thống kê, có hơn 8 triệu người Mỹ mất việc làm trong cuộc suy thoái kinh tế kéo dài từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009.
Ông Ryan Sweet, chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Moody của Mỹ, cho rằng sự tăng trưởng của nền kinh tế hiện nay chỉ tạo được số việc làm vừa đủ để ổn định tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang đứng ở mức 9,4%.
Các nhà phân tích kinh tế dự đoán năm nay, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng từ 3-3,6% do các chương trình kích thích kinh tế, từ việc thực hiện luật cắt giảm thuế trong hai năm với giá trị 858 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua cuối năm ngoái, đến việc tiếp tục thực hiện chương trình của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) để mua trái phiếu dài hạn trị giá 600 tỷ USD./.