Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ: Niềm tin giảm sút

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nối tiếp hàng loạt báo cáo tồi tệ về việc làm và sản xuất hôm thứ năm, trong ngày thứ 6, số liệu về lượng đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ tiếp tục giáng đòn vào chứng khoán.

KTĐT - Nối tiếp hàng loạt báo cáo tồi tệ về việc làm và sản xuất hôm thứ năm, trong ngày thứ 6, số liệu về lượng đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ tiếp tục giáng đòn vào chứng khoán.

Trong khi chứng khoán Mỹ và đồng đôla trở thành nạn nhân của những báo cáo kinh tế u ám, nhà đầu tư quay sang đặt cược vào châu Âu do tín hiệu tích cực từ Bồ Đào Nha.





Việc làm
Trong ảnh chụp ngày 28/6, Flora Guan, trái, và Jessica Yang, phải, những sinh viên mới tốt nghiệp trường Đại học San Francisco, đang điền vào mẫu đơn xin phỏng vấn việc làm tại một hội chợ nghề nghiệp. Ảnh: AP

Nối tiếp hàng loạt báo cáo tồi tệ về việc làm và sản xuất hôm thứ năm, trong ngày thứ 6, số liệu về lượng đơn đặt hàng của các nhà máy Mỹ tiếp tục giáng đòn vào chứng khoán. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng trong tháng 6 giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ thời kỳ tâm điểm suy thoái.

Tin tốt là thị trường việc làm đã ít nhiều khởi sắc theo báo cáo tháng 6. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ đã giảm xuống 9,5% trong tháng 6 khi các chủ doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh thuê nhân công mới. Tuy nhiên, tin xấu là nhiều chuyên gia cho rằng tỷ lệ thất nghiệp này vẫn quá cao đối với một nền kinh tế khỏe mạnh. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm một phần còn do có tới nửa triệu người Mỹ đã chán nản với công cuộc tìm việc và đành làm bán thời gian, do đó họ cũng không bị tính vào số lượng người không có việc làm.

Chứng khoán Mỹ chốt tuần ở mức tồi tệ nhất trong suốt 2 tháng qua, sau những thông tin đáng thất vọng về việc làm, sản xuất làm nản lòng nhà đầu tư. Dow Jones Industrial Average mất 46,05 điểm.tương đương 0,47%, xuống 9.686,48. Standard & Poor's 500 cũng giảm 0,47%, xuống 1.022,58 điểm. Tổng cộng trong tuần qua, Dow Jones mất 4,5%, S&P 5% và Nasdaq thụt lùi 5,9%.

Chứng khoán châu Á cũng đi xuống, kéo chỉ số tổng hợp MSCI thoái lui tuần thứ 4 trong vòng 5 tuần gần đây. Các nhà đầu tư tại châu Á lo ngại sau những tin tức ảm đạm từ Mỹ và bi quan sau khi Phố Wall giảm điểm. Tổng cộng, MSCI Asia Pacific Index chốt tuần ở mức 111,70, giảm 3,4% điểm so với đầu ngày. Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã mất 7,3%.

Niềm tin vào châu Âu đã kéo các thị trường chứng khoán khu vực này đi lên lần đầu tiên sau nhiều ngày giảm. Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets Index tăng 0,5% trong ngày cuối tuần, dù so với đầu tuần thì vẫn hạ 3,6%. Chỉ số tổng hợp MSCI EM Eastern Europe Index cũng lần đầu tiên đi lên mạnh mẽ trong vòng 5 tuần, có thêm 2,9% sau khi ngân hàng trung ương Ba Lan nâng dự báo tăng trưởng kinh tế.

Các chỉ số khác như European FTSEurofirst 300 (FTEU3) đóng cửa tăng 0,1%, lên mức 969,66 điểm. Trong đó, cổ phiếu của các ngân hàng tăng mạnh nhất, như Barclays, BNP Paribas và Banco Santander tăng từ 0,8 đến 4%.

Bồ Đào Nha
Tòa nhà quốc hội của Bồ Đào Nha ở thủ đô Lisbon. Ảnh: AFP

Bồ Đào Nha hôm qua tuyên bố kế hoạch đưa thâm hụt ngân sách xuống 3% GDP vào năm 2012, phù hợp với mức trần EU quy định. Trong báo cáo ngân sách gửi lên quốc hội hôm qua, chính phủ nước này tỏ ra lạc quan hơn trước đây. Trong báo cáo hồi tháng 3, kế hoạch thâm hụt ngân sách năm 2012 là 3,8%. Năm 2009, thâm hụt ngân sách của Bồ Đào Nha là 9,3% GDP.

Thông tin trái chiều trên thị trường lao động Mỹ khiến đồng đôla giao dịch thất thường. Trong khi đó, nhà đầu tư phấn chấn với tin tốt từ Bồ Đào Nha đưa đồng đôla lên mức cao nhất suốt 6 tuần lễ, tương đương 1,2553 USD trong phiên giao dịch New York so với mức 1,2480 cuối ngày thứ 5. Hôm 7/6, đồng euro rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 4 năm ở 1,19 USD.

Kinh tế Mỹ cũng phủ bóng đen lên thị trường dầu với ngày xuống giá thứ 5 liên tiếp. Hợp đồng dầu giao tháng 8 mất 81 cent, tương đương 1,1%, xuống 72,14 USD một thùng. Riêng trong tuần này mỗi thùng dầu đã mất tới 8% giá trị.

Hôm qua, Belarus và Nga đã ký một thỏa thuận về việc cung cấp khí gas, được kỳ vọng sẽ chấm dứt những bất đồng lâu nay giữa hai nước. Theo đó, công ty khí gas khổng lồ của Nga là Gazprom đồng ý sẽ trả 1,88 USD cho mỗi 1.000 mét khối khí vận chuyển qua 100 km trên lãnh thổ Belarus.

Mỹ: Niềm tin giảm sút - Ảnh 1
Mâu thuẫn giữa Belarus và Nga đã phần nào được giải quyết sau thỏa thuận ngày hôm qua. Ảnh: AFP

Mâu thuẫn về vấn đề khí gas giữa hai bên đã tồn tại từ lâu. Gần đây nhất hôm 21/6, Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đến Belarus nhằm gây áp lực buộc nước này thanh toán khoản nợ 200 triệu USD. Belarus đáp trả bằng việc đe dọa chặn đứng đường ống dẫn khí, và thậm chí có thể cả dẫn dầu của Nga đến châu Âu chạy qua lãnh thổ nước này nếu công ty dầu mỏ Gazprom không trả khoản phí vận chuyển đang nợ họ. Để xoa dịu căng thẳng, hiện Gazprom đã trả cho Belarus 228 triệu USD, còn thiếu 32 triệu USD.

HSBC khu vực châu Á hôm qua cho biết họ đã mua lại chi nhánh tại Ấn Độ của ngân hàng Royal Bank of Scotland (RBS). Chi nhánh Ấn Độ của RBS có giá trị tài sản 1,8 tỷ USD. Các bên hy vọng thỏa thuận mua bán này sẽ hoàn thành xong trong nửa đầu năm 2011.

Trung Quốc trở thành thị trường hàng đầu của General Motors, khi doanh số bán ra của GM tại thị trường này dẫn đầu các thị trường khác. Trong 6 tháng đầu năm qua, GM và các đối tác tại Trung Quốc đã bán được 1,21 triệu xe trên lãnh thổ châu Á này. Trong khi đó, tại Mỹ họ chỉ bán được 1,08 triệu xe. GM đang có những bước phát triển vững chắc sau khi được tái sinh, với doanh số tăng trưởng 48,5% trong nửa đầu năm nay.