Mỹ quan trọng thế nào trong thỏa thuận con tin Hamas-Israel?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Washington đã không ngừng gây áp lực lên hai bên để thúc đẩy thỏa thuận trao trả con tin.

Việc Israel chấp nhận thỏa thuận con tin với Hamas vào cuối ngày 21/11 cho thấy chính quyền ông Biden đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giảm leo thang xung đột Hamas-Israel.

Nội các Israel phê duyệt thỏa thuận với Hamas sau khi các trợ lý của Tổng thống Joe Biden đã phải thông qua các trung gian Qatar, Ai Cập để đàm phán với lực lượng Hamas, do xung đột khiến mọi tín hiệu đến Dải Gaza bị gián đoạn.

Mỹ có vai trò lớn trong việc đạt được thỏa thuận thả con tin Hamas-Israel. Ảnh: The New York Times
Mỹ có vai trò lớn trong việc đạt được thỏa thuận thả con tin Hamas-Israel. Ảnh: The New York Times

Theo các quan chức Nhà Trắng, thỏa thuận giữa Israel và Hamas có bao gồm nội dung về việc thả ba con tin quốc tịch Mỹ, gồm hai phụ nữ và một trẻ em. Họ cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc trao trả con tin người Mỹ khác.

Thỏa thuận này diễn ra trong bối cảnh các thành viên đảng Dân chủ ngày càng có những quan điểm đối lập đối với việc ông Biden ủng hộ Israel, nhất là khi số lượng thương vong tại Gaza đang gia tăng, cũng như việc người đứng đầu Nhà Trắng nhận phiếu tín nhiệm thấp trong các cuộc thăm dò trước chiến dịch tranh cử tổng thống sắp tới, phần lớn đến từ cách giải quyết xung đột Hamas-Israel.

Không những vậy, việc sắp xếp thỏa thuận này cũng cho thấy sự khác biệt về quan điểm giữa Nhà Trắng và Tel Aviv ngày càng mở rộng, khi Israel liên tục tấn công Gaza, khiến 12.000 người dân tại khu vực này thiệt mạng. Trong nhiều tuần, ông Biden đã cố gắng thuyết phục người đứng đầu Israel tạm ngừng bắn để giảm thương vong, cũng như cho phép các xe tải đưa hàng viện trợ vào khu vực này. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu liên tục từ chối các lệnh ngừng bắn trừ khi Hamas chịu thả con tin.

Theo các quan chức Nhà Trắng, ông Biden cho biết Israel tạm ngừng bao lâu sẽ liên quan đến việc giải phóng con tin đang bị giam giữ trong các đường hầm của Hamas. Để có thể đạt được thỏa thuận, người đứng đầu Nhà Trắng đã không ngừng gây áp lực lên ông Netanyahu với hơn chục cuộc gọi và một cuộc gặp mặt trực tiếp tại Israel. Không những vậy, thay vì ủng hộ các cuộc tấn công của quân đội Israel như trước đây, ông Biden liên tục kêu gọi sự kiềm chế của lực lượng nước này tại Gaza.

Bên cạnh đó, Washington cũng thúc đẩy đàm phán với Hamas trong nhiều tuần về trao trả con tin người Mỹ. Các cuộc đàm phán tưởng chừng sẽ thất bại cho đến khi những tín hiệu tích cực đầu tiên đến từ các trung gian ở Qatar và Ai Cập về việc Hamas có thể chấp nhận thỏa thuận thả phụ nữ và trẻ em, nếu Israel thả tù nhân Palestine và tạm dừng giao tranh.

Các trợ lý cho biết Tổng thống Biden hy vọng việc thả con tin sẽ tạo tiền đề cho việc chấm dứt hoàn toàn xung đột tại Gaza. Theo tờ The Washington Post, ông Biden mong muốn thời gian ngừng giao tranh sẽ không chỉ là 4 ngày như thỏa thuận ngày 21/11.

“Thay vì tạm thời chấm dứt xung đột, chúng ta cần hướng đến việc chấm dứt nó vĩnh viễn, phá vỡ vòng xoáy giao tranh liên tục và xây dựng hòa bình bền vững tại Gaza cũng như trên khắp Trung Đông” – Ông cho biết.

Tuy vậy, trước những nỗ lực của Washington, ông Netanyahu tuyên bố vào hôm thứ ba rằng các hoạt động quân sự của Israel tại Gaza vẫn sẽ tiếp diễn sau khi Hamas trao trả con tin.

“Chiến tranh vẫn sẽ tiếp tục” – Thủ tướng Israel cho biết.

Theo các chuyên gia, việc Nhà Trắng tiếp tục sử dụng việc trao đổi con tin để đạt được những thỏa thuận ngừng bắn dài hạn có thể làm phát sinh xung đột giữa Mỹ và Israel. Một quan chức hàng đầu của Mỹ thừa nhận việc tạm dừng giao tranh là một bước tiến nhằm thúc đẩy hòa bình lâu dài hơn, tuy nhiên điều này vẫn còn khá xa vời.