Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn đến 5/5

NGUYỄN PHƯƠNG (THEO REUTERS)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/4, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật cấp ngân sách tạm thời kéo dài đến ngày 5/5 nhằm tránh việc Chính phủ nước này phải đóng cửa cuối tuần này do thiếu kinh phí.

Ngày 28/4, Quốc hội Mỹ đã quyết định kéo dài hiệu lực của kế hoạch chi tiêu hiện nay thêm 1 tuần nữa, để các nghị sĩ có thêm thời gian bàn bạc về dự luật chi tiêu mới cho 6 tháng tới.
Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cấp ngân sách tạm thời nói trên bằng hình thức biểu quyết, sau khi văn kiện này được Hạ viện phê chuẩn với 382 phiếu thuận và 30 phiếu chống. Dự luật lập tức được chuyển lên Tổng thống Donald Trump để ký ban hành. 
 Quốc hội Mỹ đã quyết định kéo dài hiệu lực của kế hoạch chi tiêu hiện nay thêm 1 tuần nữa để các nghị sĩ có thêm thời gian bàn bạc về dự luật chi tiêu mới.
Việc thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn trên sẽ cho phép các nghị sỹ Mỹ có thêm thời gian để thương lượng về một dự luật ngân sách dài hạn hơn. Các nghị sỹ sẽ tiếp tục thảo luận về một gói ngân sách 1.000 tỷ USD và thời hạn chót để đạt được dự luật cấp ngân sách mới này là ngày 5/5 tới. 
Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất tăng thêm 30 tỷ USD cho Lầu Năm Góc trong năm nay. Tổng thống Trump cũng khẳng định sẽ tạm gác lại đề nghị rót ngân sách cho việc xây tường ở biên giới với Mexico, theo đề nghị của Đảng Dân chủ.
Các nghị sỹ Dân chủ cảnh báo sẽ không ủng hộ việc cấp kinh phí cho một số hạng mục, bao gồm chi phí xây bức tường ở biên giới với Mexico, song ủng hộ tăng cường đầu tư trong các vấn đề an ninh biên giới.
Nguy cơ chính phủ phải đóng cửa đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong các cuộc thương lượng liên quan đến ngân sách ở Quốc hội Mỹ. Lịch sử từng ghi nhận Chính phủ Mỹ đã phải rơi vào cảnh đóng cửa vài lần, trong đó gần nhất là vào năm 2013, khi chính phủ đã phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Quốc hội không đạt được thỏa hiệp về ngân sách cho những cải cách chăm sóc y tế của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama