Việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu có đủ đức và tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng.
Hoàn thiện hơn thiết chế dân chủMỗi dịp tiến hành bầu cử ĐB Quốc hội, HĐND các cấp, người dân có điều kiện thể hiện quyền làm chủ của mình, nhất là trong việc lựa chọn ra những người đại diện cho tiếng nói, cho lợi ích của Nhân dân. Như các nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, hơn 75 năm đồng hành cùng dân tộc, Quốc hội Việt Nam thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân. Mỗi kỳ bầu cử đều có những dấu ấn riêng, như năm 1946 Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội khóa I khẳng định tính chính danh, hợp hiến, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên của châu Á; năm 1976, Nhân dân cả nước bầu ra Quốc hội thống nhất non sông, khẳng định một Việt Nam hòa bình, độc lập và thống nhất từ Bắc chí Nam... Ngày 23/5/2021, người dân cả nước sẽ thực hiện kỳ bầu thứ 15, bầu Quốc hội mở đầu thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước. Quốc hội khóa XV lại sáng suốt bầu ra một bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, để từng bước hiện thực hóa khát vọng thành nước phát triển trong thời kỳ mới. Muốn vậy, mỗi ĐB thực sự phải là “viên gạch hồng” trong nền móng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác bầu cử tại huyện Thạch Thất, chiều ngày 20/5/2021. Ảnh: Thanh Hải |
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhiều ý kiến đồng tình, Quốc hội liên tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cả ba chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, trên tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao và luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc. Trong đó, hoạt động lập pháp diễn ra sôi động, với 72 luật, hai pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được thông qua. Thông qua giám sát, Quốc hội không chỉ tạo diễn đàn để phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân, mà còn có công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực. Trong đó, không thể không nhắc tới một hoạt động quan trọng, luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri cả nước tại mỗi kỳ họp, đó là chất vấn và trả lời chất vấn. Đã có những ĐB để lại dấu ấn sâu đậm, tình cảm tốt đẹp trong lòng cử tri, với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, quyết liệt, không ngại va chạm nhưng chân thành vì cái chung.Qua theo dõi nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha nhận định, những quyết sách của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội luôn sát với thực tế cuộc sống. Hầu hết những vấn đề khó khăn khi Chính phủ trình ra Quốc hội đều được Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và đưa ra quyết sách hợp lý để mở đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong những thành tựu đó có vai trò quan trọng của các ĐB, đã luôn thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết; giữ mối liên hệ mật thiết với cử tri, phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri... Vì thế, việc bầu ra những đại biểu có trách nhiệm, trình độ trong cuộc bầu cử sắp tới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, nghiên cứu lịch sử cho thấy, mỗi kỳ bầu cử ĐB Quốc hội, HĐND các cấp như một nấc thang của sự phát triển, để hoàn thiện hơn thiết chế dân chủ cho Nhân dân. Nhìn vào đội ngũ ĐB Quốc hội các khóa, đều đã thực thi được nhiệm vụ của mình kể cả về mặt năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm ĐB của dân; giữ mối quan hệ giữa người ĐB Nhân dân với các tầng lớp trong xã hội. “Xét cho đến cùng, ĐB phải thật sự vì dân, vì nước, “dĩ công vi thượng”, không vun vén cho lợi ích riêng, không tham lam, không tham nhũng. Tất cả những mong muốn đó chúng ta cũng đang làm để thực hiện tốt hơn cho bầu cử lần này” - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nói.Ý chí, nguyện vọng của cử tri được thể hiện rõBất kỳ cuộc bầu cử quốc hội nào cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng, đó là lúc toàn dân thông qua lá phiếu thể hiện ý chí của mình lựa chọn ra những người đại diện cho Nhân dân đảm nhận trọng trách trong hệ thống chính trị.
Theo GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, muốn có được một bộ máy lãnh đạo thực sự có năng lực, vì nước, vì dân, có thể ngang tầm với nhiệm vụ thì việc sáng suốt lựa chọn ĐB trong kỳ bầu cử lần này là vô cùng quan trọng. Những thành tựu đạt được sau 35 năm đổi mới là rõ ràng, không thể phủ nhận nhưng thách thức, thậm chí có phần khắc nghiệt hơn còn ở phía trước. Kỳ bầu cử được tiến hành sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, một Đại hội được giới nghiên cứu đánh giá là đi vào lịch sử khi chuyển giai đoạn phát triển của đất nước từ thời kỳ phát triển để tạo thế và lực sang giai đoạn phát huy đến mức cao nhất tất cả các thế và lực đã tích lũy được, đưa đất nước cất cánh. Do vậy, những người tham gia vào Quốc hội và HĐND cũng phải thực sự xứng đáng, tiêu biểu để thay mặt Nhân dân quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, địa phương.Với một vai trò đặc biệt ấy, công tác chuẩn bị nhân sự tham gia ứng cử kỳ này được tiến hành thận trọng, bảo đảm đúng quy trình lựa chọn, giới thiệu người ứng cử theo quy định của pháp luật. Trải qua các bước sàng lọc, hiệp thương, lấy tín nhiệm hết sức chặt chẽ, người ứng cử ĐB Quốc hội, ĐB HĐND là những người tiêu biểu, tuyệt đối không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, người chạy chức, chạy quyền tham gia vào Quốc hội, HĐND các cấp.Việc lựa chọn được ai là người thực sự đại diện cho tiếng nói của cử tri, của Nhân dân hoàn toàn phụ thuộc vào trách nhiệm, sự sáng suốt của cử tri trong lá phiếu bầu. Trước câu hỏi làm thế nào để cử tri lựa chọn được người xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước ở T.Ư và địa phương, TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại một cuộc tọa đàm đã cho rằng, cử tri cần biết cách thu thập, lựa chọn thông tin về ứng cử viên từ nhiều nguồn khác nhau. Có thể thông tin về ứng cử viên từ cơ quan truyền thông, từ tiểu sử tóm tắt và đặc biệt là qua các cuộc tiếp xúc cử tri. Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Quốc hội quy định, ĐB phải đại diện cho cử tri đã bầu ra mình và Nhân dân cả nước; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Với những kiến nghị của cử tri, ĐB chắt lọc để đề đạt với các cơ quan hữu quan, với Quốc hội, để thúc đẩy những kiến nghị đó vào chương trình nghị sự của quốc gia, trở thành chính sách pháp luật. Điều đó đòi hỏi ĐB một kỹ năng cao hơn, không chỉ nghe rồi báo cáo lên trên là hết.PGS.TS Bùi Thị An - nguyên ĐB Quốc hội cũng cho rằng, trở thành ĐB của dân là một vinh dự lớn nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề. ĐB phải nói được tiếng nói của người dân, phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của người dân trong quá trình xây dựng luật pháp, chính sách; phải bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Để làm được điều đó, mỗi ĐB phải có bản lĩnh, khách quan, không chịu áp lực nào; phải đặt mình vào vị trí của người dân thì mới hiểu và có tiếng nói đại diện của người dân nơi nghị trường.Đến thời điểm này, tại Hà Nội cũng như cả nước, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử gần như đã hoàn tất. Cử tri đang mong chờ để thực hiện quyền làm chủ của mình, gửi gắm niềm tin và kỳ vọng vào những ĐB do mình lựa chọn sẽ đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của Nhân dân, mang hơi thở cuộc sống thực tế đến nghị trường. Từ đó đề ra những quyết sách phù hợp với cuộc sống, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, chăm lo tốt cho công tác an sinh xã hội…
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực: Lá phiếu của cử tri có vai trò quyết định Cử tri là người quyết định trong việc bầu ai và ai là người trúng cử, người trúng cử nào xứng đáng đại diện cho họ ở Quốc hội, HĐND các cấp. Tôi tin tưởng rằng, qua các vòng hiệp thương, sự lựa chọn, giới thiệu cũng như việc tự ứng cử và tôn trọng quyền ứng cử của công dân, những người được bầu làm ĐB Quốc hội, ĐB HĐND kỳ này sẽ là những người có đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao hiện nay. Qua đó, góp phần vào việc thực hiện yêu cầu tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước. Chất lượng ĐB chính là yếu tố quyết định cho vấn đề này. Với sự sáng suốt lựa chọn qua các quy trình bầu cử công khai, dân chủ, qua ngày bầu cử 23/5, Nhân dân sẽ là người quyết định những ai trúng cử trong đợt bầu cử lần này. Tôi tin tưởng những người trúng cử sẽ phát huy vai trò, niềm tin của người dân, tiếp tục phấn đấu, thể hiện và làm tròn trách nhiệm, nhiệm vụ của người ĐB, gắn bó với cử tri. Đồng thời tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng, trí tuệ, khát vọng của cử tri, góp phần đưa đất nước phát triển theo mục tiêu đã đặt ra trong thời gian tới.Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến: Sáng suốt lựa chọn người có tâm, có tầm, bản lĩnh Cũng bởi tính chất dân biểu nên trong các tiêu chí, phẩm chất của người ĐB dân cử, theo tôi, tố chất cần có là phải có tâm, có đức, dấn thân vì cộng đồng và quan trọng nhất là phải thực sự vì dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân. Chỉ có sự gắn bó thực sự mới nắm bắt được tâm nguyện của cử tri, truyền tải được ý kiến của Nhân dân, cử tri tới Quốc hội và các cơ quan Nhà nước. Hơn nữa, phải có trách nhiệm xử lý những vấn đề của người dân đưa ra. Khi nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, những chủ trương chính sách của Nhà nước thực thi trong cuộc sống ra sao, phải dũng cảm đưa ra thảo luận tại diễn đàn Quốc hội, HĐND để đóng góp, xây dựng những chủ trương, chính sách có lợi nhất cho người dân, đất nước.Trong suốt quá trình 14 khóa Quốc hội đã qua, có rất nhiều ĐB có bản lĩnh với những phát biểu mạnh mẽ trên nghị trường, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Với cuộc bầu cử lần này, tôi nghĩ rằng chính cử tri cũng phải có trách nhiệm, sáng suốt lựa chọn những người có tâm, có tầm, có trí tuệ, bản lĩnh, dám nói lên tiếng nói cử tri trao gửi. Đó mới là điều quan trọng nhất khi thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước.Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, TS Nguyễn Viết Chức: Đại biểu phải có năng lực thấu hiểu nguyện vọng của cử tri Quốc hội khóa XV đang được chuẩn bị với số lượng ĐB chuyên trách tăng lên, ĐB các cơ quan hành pháp giảm. Tuy nhiên, nếu chỉ hiểu ĐB chuyên trách có đủ thời gian hơn, tránh tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì chưa đủ. Vấn đề số lượng phải đi đôi với chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của ĐB, trước tiên là ĐB chuyên trách. ĐB phải có năng lực tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin, thấu hiểu nguyện vọng của cử tri cả nước chứ không phải những ý kiến lẻ tẻ của một vài cử tri nơi mình ứng cử. Giảm ĐB khối hành pháp không có nghĩa là Quốc hội giảm sự thấu hiểu chức năng, nhiệm vụ và tính đặc thù của hoạt động hành pháp. Muốn vậy, nếu được bầu, mỗi ĐB phải nâng cao trình độ chuyên môn của mình để nắm chắc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan lập pháp, đồng thời phải hiểu sâu sắc tính chất, yêu cầu trong hoạt động của cơ quan hành pháp; có như vậy mới nâng cao năng lực thảo luận, tranh luận để quyết sách những vấn đề mang tầm quốc gia. Đặc biệt mới thông qua để ban hành luật, bộ luật đáp ứng yêu cầu tình hình mới và đặc biệt thực hiện giám sát tối cao có hiệu quả. Quốc hội mạnh, kiến tạo và năng động là kỳ vọng của toàn dân, là nền tảng vững chắc để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phát triển. |