Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Năm 2018, mặt bằng giá có ổn định?

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2018 tình hình kinh tế trong nước vẫn còn những yếu tố đẩy mặt bằng giá lên.

Tuy nhiên, với các yếu tố thuận lợi trong nước và tình hình kinh tế thế giới, sẽ khó có những cú sốc mạnh có thể tác động lên tình hình kinh tế Việt Nam. Vì thế, mặt bằng giá năm nay được dự báo là sẽ ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ.
Nhiều áp lực với lạm phát

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đạt mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4%, việc điều hành giá cả năm 2018 sẽ chịu nhiều áp lực nhưng vẫn có thể đạt được. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Thẩm định giá Việt Nam, năm 2018 thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất lợi đến kiểm soát lạm phát. Đó là việc giá cả hàng hóa thế giới vận động theo xu hướng tăng và tác động đến giá cả trong nước như dầu, khí tự nhiên, than đá (nhiều tổ chức lớn trên giới dự báo giá dầu tăng khoảng 7 - 10 USD lên 60 USD/thùng).
 Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: Thanh Hải
Bên cạnh đó, việc mở rộng tín dụng, tỷ giá hay tác động vòng tiếp theo của việc điều chỉnh giá điện, thực hiện lộ trình tăng lương tối thiểu… Tuy nhiên, ông Thỏa cũng nhận định, mục tiêu kiểm soát lạm phát tăng ở mức 4% là có khả thi nếu như luôn đảm bảo đủ nguồn hàng, cắt giảm các chi phí (chi phí sản xuất, giảm mặt bằng lãi suất, giảm phí BOT…) cũng như thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ và điều chỉnh giá mặt hàng do Nhà nước định giá hợp lý.

Phân tích cụ thể hơn, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, năm 2018, lạm phát cùng kỳ của các tháng sẽ có xu hướng tăng lên trong nửa đầu năm nhưng sau đó sẽ giảm vào cuối năm. Lý do lạm phát tăng trong những tháng đầu năm là vì lạm phát trong những tháng đầu năm 2017 rất thấp do ảnh hưởng của giá thịt lợn giảm. Bên cạnh đó, các tháng cuối năm 2017, lạm phát cùng kỳ tăng mạnh do điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục (riêng trong các tháng 8, 9, 10 lạm phát đã tăng 1,9%). Nếu các tháng cuối năm 2018, Chính phủ không điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục thì lạm phát sẽ giảm mạnh. “Nếu tính trung bình, lạm phát năm 2018 sẽ vào khoảng 2,6%, cách tương đối xa với mục tiêu 4% Quốc hội thông qua”- ông Độ tính toán lạc quan.

Ba kịch bản giá năm 2018

Số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng do năng lực sản xuất trong nước gia tăng cùng với việc ký kết các hiệp định tự do thương mại của Chính phủ. Đây là cơ hội cho người dân được mua hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu với giá cả cạnh tranh. Nhóm giá dịch vụ bưu chính viễn thông tiếp tục ổn định hoặc giảm. Dựa trên những yếu tố này, các chuyên gia đưa ra ba kịch bản với mặt bằng giá năm 2018.
 Khách chọn mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh:  Hải Linh
Kịch bản 1, giá lương thực, thực phẩm tương đối ổn định, chỉ tăng nhẹ vào các dịp lễ, Tết do nhu cầu tăng cao; giá dịch vụ khám chữa bệnh không bảo hiểm y tế điều chỉnh trong quý I/2018 tác động làm tăng CPI 0,17%; điều chỉnh tiền lương vào quý II làm tăng CPI 0,14%; giá điện tăng từ 1/12/2017 làm tăng CPI năm 2018 khoảng 0,1%; giá xăng dầu tăng 5% làm tăng CPI khoảng 0,28%, giá gas tăng 5% làm tăng CPI khoảng 0,06%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 3,5%, CPI bình quân tăng khoảng 3%.

Kịch bản 2, giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 7% vào cuối năm tác động vào CPI 0,3%; giá xăng dầu tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,56%, giá gas tăng 10% làm tăng CPI khoảng 0,12%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 4,2%, CPI bình quân tăng khoảng 3,4%.

Kịch bản 3, giả thiết thêm giá thịt lợn tăng 15% vào cuối năm tác động vào CPI khoảng 0,63%; giá xăng dầu tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,64%, giá LPG tăng 15% làm tăng CPI khoảng 0,18%. Dự báo CPI tháng 12/2018 so với tháng 12/2017 tăng 5,4%, CPI bình quân tăng khoảng 3,9%.

Theo các chuyên gia, trong bài toán điều hành giá thời gian tới, cần bám sát quy luật cung cầu của thị trường, không áp đặt thủ tục hành chính. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, giám sát chặt chẽ kê khai giá của DN đối với mặt hàng bình ổn giá, kê khai giá. Đặc biệt, tất cả những mặt hàng dịch vụ mà Nhà nước định giá trong năm 2018 cần điều chỉnh cho phù hợp với từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm dễ dẫn đến phản ứng dây chuyền.

“Một vấn đề khiến cho nhiều người lưu tâm đó là cách điều hành giá xăng. Hiện nay trên thị trường, sau khi cho ra mắt xăng sinh học E5 và khai tử RON 92, Nhà nước không công bố giá của xăng RON95. Phải chăng đây là hành động cố tình thả nổi giá mặt hàng xăng này?”. - Chuyên gia kinh tế  Ngô Trí Long